Nam giới mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gấp 4 lần nữ giới

Thứ Sáu, 18/12/2015, 15:36
Ngày 18-12, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai đã đánh giá lại 5 năm thực hiện dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. 

Theo giáo sư Ngỗ Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Hiện ở Việt Nam có tới 70% số nam giới hút thuốc lá, thuốc lào. Đặc biệt, tại những vùng trồng cây thuốc lá, thuốc lào, người dân hút thuốc từ rất sớm, trẻ em từ 5 đến 7 tuổi đã hút thuốc cùng bố mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm do động cơ đi-ê-zen, rồi những năm gần đây, người dân khi thu hoạch lúa xong, không mang rơm rạ về nhà cho trâu bò ăn như trước kia mà đốt ngay tại ruộng, khí CO2 bay hàng trăm km.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết kết quả của chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Tại TP. Hồ Chí Minh còn bị ảnh hưởng của tình trạng mù khô, làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xuất hiện sớm hơn, nặng hơn. Cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường và hút thuốc lá ngày càng tăng thì việc đốt rơm rạ ở miền Bắc và hiện tượng mù khô ở miền Nam đang làm cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gia tăng nhanh chóng.

Tại nước ta, một nghiên cứu cho thấy, ít nhất 4,2% dân số mắc bệnh này. Còn theo nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, tỷ lệ mắc bệnh phối tắc nghẽn mạn tính ở nước ta hiện nay chiếm gần 7% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp gần 4 lần nữ giới. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả việc hít phải khói thuốc một cách thụ động hoặc gặp ở người sống và làm việc trong môi trường khói bụi. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người hút thuốc ở nước ta vẫn cao và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có chiều hướng gia tăng ở nước ta.

5 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được mạng lưới quản lý bệnh tại các tuyến cơ sở ở các tỉnh triển khai dự án; cải thiện đáng kể năng lực chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản của cán bộ y tế; và nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Đã có 45 tỉnh, thành triển khai chương trình với mục tiêu 50% bệnh nhân được kê đơn, 50% dân số được tư vấn về bệnh này để phòng, tránh và điều trị sớm.

Thanh Hằng
.
.
.