Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình:

Khi nào có kết luận về nguyên nhân sự cố ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình?

Thứ Sáu, 02/06/2017, 15:41
Ngày 2-6, trao đổi với PV Báo CAND, ông Trương Quý Dương-Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình cho biết: Từ sau khi xảy ra sự cố khiến 7 bệnh nhân chạy thận tử vong, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, toàn bộ số bệnh nhân đang chạy thận tại BVĐK tỉnh đều được chuyển sang các BV khác: BVĐK TP Hoà Bình và các BV trên địa bàn Hà Nội: Bạch Mai, BV Thận Hà Nội...


Hàng ngày, BV ĐK tỉnh Hoà Bình vẫn bố trí ô tô đưa đón tất cả các bệnh nhân về Hà Nội để chạy thận, đồng thời chuyển các thủ tục BHYT về BV mà bệnh nhân chạy thận để đảm bảo quyền lợi của từng người. 

Bệnh nhân ở Hoà Bình chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai

Ông Dương cũng cho biết, BV đã thành lập Hội đồng chuyên môn để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Ngày 1-6 mới được nhận lại bệnh án của các bệnh nhân bị tử vong, BV đã lập tức cho rà soát qui trình thực hiện lọc máu, đồng thời cho các nhân viên y tế tham gia lọc máu cho các bệnh nhân kiểm thảo, làm rõ trách nhiệm của từng người ở từng công đoạn. 

Ông Trương Quý Dương cho biết, Hội đồng chuyên môn cũng chờ kết quả từ phía cơ quan điều tra để thống nhất kết luận về nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân. Dự kiến phải sau một tuần Hội đồng chuyên môn mới có kết quả. 

Để đón tiếp các bệnh nhân từ Hoà Bình về chạy thận, TS. Nguyễn Khắc Hiền -Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội rà soát lại tất cả điều kiện để có thể tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Nếu bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống không có chỗ ở lưu trú thì BV phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh có chỗ ở tạm thời. 

BV Thận Hà Nội đã tiếp nhận gần 50 bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống và bố trí vào các phòng điều trị có đủ máy chạy thận. BV còn bố trí 2 phòng lưu trú cho những người bệnh từ Hòa Bình chuyển xuống có nhu cầu về chỗ ăn ở tạm thời. 

Để tiếp nhận và điều trị cho số lớn bệnh nhân từ Hoà Bình chuyển xuống trong cùng thời điểm, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các thầy thuốc BV Thận Hà Nội. Bởi bình thường, BV Thận Hà Nội đang phải lọc máu cho 450 bệnh nhân. Để đáp ứng yêu cầu do số bệnh nhân tăng lên đột ngột, BV phải tăng từ 3 ca/ngày lên 4 ca/ngày. Vì thế cường độ làm việc của các nhân viên y tế cũng rất cao. BV cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ về quy trình xử lý để duy trì an toàn tuyệt đối trong chạy thận cho các nhân viên y tế. 

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh ở Hoà Bình về, BV đã bố trí thời gian hợp lý: Những bệnh nhân nhẹ được chuyển sang chạy thận từ 21h tối, để thời gian ban ngày dành cho các bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống. 

Nhìn chung, sau khi được chuyển đến BV Thận Hà Nội, BV Bạch Mai ...diễn biến sức khỏe của các bệnh nhân chuyển về từ Hòa Bình khá ổn định. Các BV đều có phương án xử lý cho một số bệnh nhân thiếu máu như truyền máu, dùng thuốc kích thích tạo máu lâu dài vv...Theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, BV Thận Hà Nội đã liên hệ với các BV có hệ thống lọc thận trên địa bàn để có phương án tiếp nhận hết số bệnh nhân phải chạy thận từ Hòa Bình về, như BV Hòe Nhai, BV Đống Đa, BV Thanh Nhàn và BV 103 vv...

Dự kiến, phải mất 2-4 tuần để BVĐK tỉnh Hòa Bình khắc phục sự cố, vì thế, BV Thận Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch điều trị cho các bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống trong thời gian này. 

Thanh Hằng
.
.
.