Nữ bác sĩ hết lòng vì người bệnh

Thứ Bảy, 03/01/2015, 15:53
Đã vào tuổi 65, nhưng bác sĩ Vũ Thị Tư Hằng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bệnh viên Đa khoa Bình Dân - Đà Nẵng, vẫn tận tụy với công việc chữa bệnh cứu người, chăm lo sức khỏe cộng đồng…

Cuối năm 1989, đang là Phó chủ nhiệm Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trước sự quá tải của nhiều bệnh viện lúc bấy giờ, bác sỹ Hằng đã có quyết định cho ra đời cơ sở khám chữa bệnh, với tên gọi “Dịch vụ y tế miền Trung”. Chính sự táo bạo có tính đột phá này đã mở ra trang mới cho việc khám chữa bệnh ngoài công lập.

Nhớ lại chuyện cũ, chị Ngô Thị Xuân Tình, điều dưỡng viên, gắn bó với cơ sở khám chữa bệnh của bác sĩ Hằng, bảo: “Hồi đó, bác sĩ Hằng không chỉ có năng lực lãnh đạo, mà còn giỏi chuyên môn. Nếu không mở cơ sở y tế của riêng mình, chị đã đảm đương cương vị cao hơn.

Thế nhưng, trước thực trạng bệnh viện liên tục quá tải, bệnh nhân nằm 2-3 người/giường; không ít người bị bướu cổ phải chờ đợi 2-3 tháng trời mới được mổ, chị đã trăn trở và đi đến quyết định mở cơ sở khám chữa bệnh”.

Lúc mới thành lập, Dịch vụ y tế miền Trung chỉ  có 25 giường bệnh. Nhưng, với sự tận tình điều trị, chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ Hằng cùng đồng nghiệp nên chẳng bao lâu nó đã trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân từ mọi miền Tổ quốc, trong đó nhiều nhất là các ca bướu cổ.

Đến năm 1996, trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn, bác sĩ Hằng quyết định chuyển cơ sở dịch vụ thành Bệnh viện Đa khoa Bình Dân, với vốn đầu tư 7 tỷ đồng. Đây là bệnh viện tư đầu tiên ở nước ta được ra đời, kể từ sau ngày thống nhất đất nước 1975…

Tiếng lành đồn xa, bệnh viện tư 50 giường này lại rơi vào tình trạng quá tải. Trước tình hình đó, năm 2005, bác sĩ Hằng quyết định xây dựng bệnh viện mới 5 tầng trên đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng; với 19 khoa phòng. Hiện nay, bệnh viện có 140 CBCNV, trong đó có 42 bác sỹ trình độ cao; mỗi ngày khám, điều trị cho 350-400 bệnh nhân.

Bác sỹ Vũ Thị Tư Hằng khám bệnh cho bệnh nhân.

Thống kê sơ bộ, từ khi ra đời đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật thành công hơn 30 nghìn ca bướu cổ, trong đó hơn 15 nghìn ca bướu Basedow và chưa có trường hợp nào tử vong… Nhờ gặt hái thành tích đó, nhiều năm liền, Bệnh viện Đa khoa Bình Dân là ngọn cờ đầu của ngành Y tế cả nước, được Bộ Y tế tặng Bằng khen và cờ thi đua đơn vị xuất sắc.

Bác sĩ Hằng tâm sự: “Yếu tố cần thiết nhất của người thầy thuốc là tận tụy với người bệnh. Không chỉ bản thân mà tôi luôn yêu cầu y, bác sỹ phải khắc ghi lời dạy của Bác Hồ đối với thầy thuốc: “Lương y như từ mẫu”. Chính làm được điều đó, Bệnh viện Đa khoa Bình Dân đã tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống xã hội, được tặng thưởng nhiều phần thưởng xứng đáng”.

Điều trị bệnh bướu cổ, đặc biệt là bướu Basedow là ưu thế của Bệnh viện Đa khoa Bình Dân, Đà Nẵng. Từ công trình nghiên cứu khoa học của bác sĩ Hằng, giải pháp “mổ tức thì” được ứng dụng rất thành công từ nhiều năm nay.

Nói về kinh nghiệm, bác sĩ Hằng giải thích rằng, “mổ tức thì” là mổ ngay không cần phải chờ người bệnh điều trị cho bình mạch, bình giáp mới triển khai như các bệnh viện khác. Giải pháp này giúp bệnh nhân không tốn thời gian 2-3 tháng chờ đợi và đỡ tốn kém kinh phí. Với giải pháp này, bệnh viện đưa tỷ lệ tử vong về 0%; trong khi các bệnh viện khác tỷ lệ tử vong khi mổ bướu cổ Basedow khá cao…

Bệnh viện Đa khoa Bình Dân rất chú trọng công tác xã hội từ thiện. Sơ tính vài ba năm trở lại đây, bệnh viện đã giảm viện phí cho các đối tượng khó khăn gần 5 tỷ đồng; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 1.200 người ở Hội An, Quảng Nam; xây tặng 11 nhà tình nghĩa, thực hiện các chương trình từ thiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng số tiền 1,79 tỷ đồng…

Nguyễn Cầu
.
.
.