Lô thuốc đặc trị ung thư bị hủy: Sự vô cảm tắc trách của ai?

Thứ Bảy, 06/05/2017, 19:52
Rõ ràng, nếu thực sự coi thuốc tài trợ như tài sản của gia đình và người bệnh như người thân, thì hẳn không có sự vô cảm, tắc trách đến mức gây hậu quả nghiêm trọng như thế.


Sau khi Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh giải thích về hành trình nhập khẩu lô thuốc Tasigna đặc trị ung thư phải tiêu hủy là do thủ tục hành chính lâu, dẫn đến quá hạn, cuối chiều ngày 5-5, Tổng cục Hải quan cũng lên tiếng với việc công bố đường đi của hồ sơ nhập lô thuốc này. Cũng theo Tổng cục Hải quan, số lượng thuốc nhập lên tới 34.608 viên, chứ không phải chỉ có 20.000 viên.

Việc công bố hồ sơ nhập khẩu lô thuốc đã làm hé lộ nhiều vấn đề trong giải quyết thủ tục hành chính, mà nếu không làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, thì sẽ còn xảy ra những vụ việc tương tự và người bệnh vẫn là người phải chịu thiệt thòi.

Theo hồ sơ, ngày 15-7-2013, Bệnh viện (BV) Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân từ Công ty Novatis Pharma. 

Nhưng mãi đến ngày 28-11-2013, tức là 4 tháng 13 ngày sau, BV này mới có công văn gửi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị được tiếp nhận lô thuốc trên. 

Đã thế, hồ sơ của BV gửi lên lại thiếu các văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và nhiều chứng từ khác, nên Cục Quản lý Dược đã từ chối cho nhập. Nhưng 14 ngày sau Cục này mới ký công văn từ chối.

Rõ ràng, trách nhiệm đầu tiên để kéo dài thời gian làm thủ tục mất tới gần nửa năm chính là BV Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh, bởi sự chậm chạp cũng như thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng hồ sơ nhập thuốc. 

Thế nhưng đến lúc này, vẫn chưa thấy BV giải thích nguyên nhân vì sao sau hơn 4 tháng mới có văn bản đề nghị, cũng như chưa thấy nói đến trách nhiệm của cá nhân hay tập thể để xảy sự chậm trễ này!

Hàng vạn viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư phải tiêu hủy vì quá hạn

Tiếp đó lại mất tới 6 tháng nữa mới hoàn tất được thủ tục các cơ quan thuộc TP. Hồ Chí Minh. Câu hỏi đặt ra là, trong thời gian 6 tháng làm thủ tục,  hồ sơ này đã nằm ở đâu lâu nhất? Vẫn nằm ở BV, hay bị “om”ở Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hay bị “ém” tại UBND TP Hồ Chí Minh? 

Để trả lời câu hỏi này, cả BV Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hồ Chí Minh cùng phải rà soát tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể, để khắc phục và xử lý chứ không thể "cha chung không ai khóc” rồi “hòa cả làng”.

Trong hành trình di chuyển của hồ sơ này, thời gian bị "găm" lâu nhất là ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Sau 2 lần hồ sơ nằm ở Cục Quản lý Dược cũng mất 34 ngày. Mỗi nơi “hành là chính” một thời gian, nên khi đủ thủ tục để nhập lô thuốc đã mất tròn một năm: từ 15-7-2013 đến 14-7-2014.

Ngày 23-7-2014, lô hàng mới được đưa lên máy bay để chuyển sang Việt Nam thì hạn dùng của số thuốc chỉ còn 10 tháng. Nhưng cơ quan hải quan lại căn cứ theo Thông tư số 47/2010 của Bộ Y tế là “thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thời hạn dùng còn phải tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày tới cảng Việt Nam” để từ chối nhập. 

Nhưng sau đó, BV Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh đã trình ra Thông tư số 45/2011/TT-BYT đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2010 là “Trường hợp thuốc có hạn dùng 24 tháng thì hạn dùng còn lại từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc". 

Như vậy, với hạn dùng còn 10 tháng, lô thuốc này đủ điều kiện nhập nên hải quan đồng ý thông quan và ngày 13-8-2014 thuốc mới về đến BV..

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ sau 5 ngày, ngày 6-8-2014, đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho BV Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh, hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho 2 tờ khai hải quan nhập khẩu số thuốc trên và được thông quan vào ngày 7-8-2017 vì “lý do nhân đạo”.

Cho dù lý giải việc thông quan lô thuốc nhanh chóng, nhưng việc Tổng cục Hải quan công bố cho thông quan lô thuốc “vì lý do nhân đạo” là không đúng. Bởi lô thuốc này đủ điều kiện thông quan theo Thông tư số 45/2011/TT-BYT, khi hạn dùng chỉ cần 8 tháng là được, trong khi lô thuốc này còn 10 tháng. 

Đưa “lý do nhân đạo” chẳng qua Tổng cục Hải quan cố tình che giấu việc cơ quan hải quan đã không biết đến Thông tư số 45/2011/TT-BYT của Bộ Y tế nên ban đầu đã không cho thông quan.

Sẽ có nhiều bệnh nhân ung thư được cứu sống, nếu lô thuốc được giải quyết nhanh 

Để rồi, nghịch lý xảy ra là đã đã có nhiều người bệnh tử vong vì thiếu thuốc, trong khi hàng vạn viên thuốc phải tiêu huỷ. Đồng thời với mất thời gian làm thủ tục là nhiều tỷ đồng tiền thuốc bị ném đi, thì liệu còn đối tác nào muốn viện trợ để giảm bớt gánh nặng, cứu giúp người bệnh của chúng ta nữa không?

GS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng trong vụ việc này thấy thủ tục nhập khẩu thuốc có vấn đề, do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải cải cách hành chính mạnh mẽ để rút ngắn thời gian, giảm thủ tục nhập khẩu. Vì thuốc là hàng hóa đặc biệt, không phải như các sản phẩm sắt, thép nên hạn sử dụng rất ngắn. Mà đưa đến người bệnh sớm chừng nào là việc điều trị tốt chừng ấy. 

GS. Nguyễn Bá Đức cũng chia sẻ, BV K từng nhận nhiều đợt thuốc viện trợ, có đợt nhận hàng chục vạn viên thuốc trong một hợp tác đa quốc gia giữa Việt Nam, Mỹ và nhà sản xuất. Nhưng hồ sơ chuẩn bị chặt chẽ, đôn đốc ráo riết quá trình làm thủ tục, nhất là BV tính được lượng thuốc dùng cho bệnh nhân nên thuốc chuyển về 6 tháng/đợt chứ không nhận ồ ạt, để thuốc không bị hết hạn. Khi thuốc về, BV phải xem khả năng sử dụng thực tế để có giải pháp như nếu không dùng hết thì chuyển cho BV khác, hoặc trả lại nhà sản xuất.

Rõ ràng, nếu thực sự coi thuốc tài trợ như tài sản của gia đình và người bệnh như người thân, thì hẳn không có sự vô cảm, tắc trách đến mức gây hậu quả nghiêm trọng như thế.

Thanh Hằng
.
.
.