Mọi đồ uống đều trở thành kẻ thù của sức khỏe nếu sử dụng không đúng
- “Thả nổi” thị trường phụ gia thực phẩm, tinh chất đồ uống
- Nguy cơ từ đồ uống vỉa hè không nhãn mác
- Axit trong táo gây hại răng gấp 4 lần đồ uống có ga
Không chỉ thực phẩm, thuốc, mà đồ uống (có cồn và không có cồn) cũng có tác động rất lớn với sức khoẻ con người. Hầu hết các loại đồ uống đều có tác dụng 2 mặt nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về đồ uống đề sử dụng đúng cách, nên đã có nhiều người trở thành bệnh nhân chỉ vì chọn sai, hoặc dùng sai đồ uống.
Đây cũng là những nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại hội thảo khoa học "Đồ uống và sức khoẻ" do Viện Y học ứng dụng tổ chức tại Hà Nội ngày 4-4. PGS.TS. Phạm Văn Hoan - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: Những loại đồ uống mới hiện nay không chỉ cung cấp nước mà còn cung cấp một số chất giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi, tăng sự tỉnh táo, bổ sung một phần năng lượng và muối khoáng. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể gây nguy hiểm vì khiến lượng Natri trong máu tụt xuống thấp và có thể gây tử vong.
Còn theo TS. Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện y học ứng dụng, một tập hợp 34 nghiên cứu với hàng triệu người cho thấy tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức hơn 40g cồn/ngày sẽ làm tăng nguy cơ tử vong.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 mã bệnh và là nguyên nhân liên quan của 200 mã bệnh. Số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn lên tới 3,3 triệu người /năm, trong tỷ lệ chết chung thì đồ uống có cồn là nguyên nhân góp phần gây ra khoảng 6%. Theo từng khu vực, việc lạm dụng rượu bia có thể khiến mỗi người giảm tuổi thọ từ 6 tháng đến gần 13 năm.
Hội thảo diễn ra tại Hà Nội ngày 4-4. |
Với loại đồ uống không có cồn, xu hướng tiêu thụ nước khoáng đóng chai và nước ngọt có ga đang tăng. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy, các chai nhựa đựng nước thải ra một lượng nhỏ hóa chất trong một thời gian dài. Nước càng giữ lâu trong chai nhựa, thì nồng độ càng cao.
Nguyên liệu làm chai nước có nguồn gốc từ dầu mỏ nên vẫn có thể có những hóa chất độc hại tan trong nước nếu lưu trữ lâu. Ví dụ nồng độ chất antymoni có trong những chai nước để lâu có thể gây buồn nôn, chóng mặt với liều lượng nhỏ và có thể tử vong nếu liều lượng lớn. Thêm vào đó nếu quy trình xử lý không đảm bảo thì nước đóng chai sẽ không tinh khiết được như các nước khác.
Còn nước ngọt có ga vốn đang là loại nước giải khát được tiêu thụ chính ở nhiều nước lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh: béo phì, sâu răng, tiểu đường, tim mạch, thận, gút, loãng xương và ảnh hưởng đến bệnh hen cũng như hệ thống sinh sản. Tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng 6,75kg cân nặng/năm.
Mặc dù có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa vitamin, thì nước hoa quả vẫn có nhiều hạn chế: bỏ đi chất xơ là chất rất quan trọng trong trái cây. Khi ép nước trái cây, đường trong trái cây cũng có thể chuyển hóa mau hơn, làm tăng đường huyết đáng kể nếu uống nước ép làm từ các loại rau, quả nhiều đường như củ cải đường hoặc cà rốt, hay nước hoa quả công nghiệp bổ sung đường.
Do vậy, uống nước hoa quả không phải là cách thải độc cơ thể (detox) hoặc có tác dụng giảm cân giữ dáng. Nước hoa quả công nghiệp cũng có thể gây thừa calo nếu tiêu thụ quá nhiều và có thể chứa hương liệu, chất bảo quản, chất tạo ngọt nhân tạo. Do nhiều đường và axit nên nước hoa quả có thể gây sâu răng, tăng nguy cơ béo phì, ví như nước ép bưởi chứa hàm lượng đường cao hơn 50% so với coca.
Lạm dụng nước ngọt có ga dễ bị béo phì |
Những thói quen xấu thậm chí sai lầm trong sử dụng đồ uống hiện nay đã được chỉ ra: Chờ khát mới uống vì khát là lúc cơ thể đã thiếu nước thời gian dài; uống nhiều nước cùng một lúc khó hấp thu và có thể gây ngộ độc nước; vừa ăn vừa uống gây hòa loãng dịch vụ, kém tiêu hóa vv…
PGS. TS. Nguyễn Xuân Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Dopin và Y học thể thao khuyến nghị, trẻ em không nên uống nước ngọt có ga, vì có thể gây thừa cân béo phì; người cao tuổi tránh dùng nước ngọt kể cả nước uống có ga, nước ép trái cây có đường và các loại trà ngọt. Phụ nữ mang thai hạn chế uống nước ngọt vì không có giá trị dinh dưỡng và có thể chứa caffein, phẩm màu và chất tạo ngọt nhân tạo, ảnh hưởng đến thai nhi.
Với nước tăng lực, trẻ em không nên dùng vì có hàm lượng đường và năng lượng, caffein cao. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị thanh, thiếu niên không nê tiêu thụ đồ uống tăng lực vì loại đồ uống này có chứa các chất kích thích.