Bác sỹ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội:

Lý giải hiểm họa của “ngáo đá”

Chủ Nhật, 30/11/2014, 16:28
Gần đây, liên tục xảy ra các vụ phạm pháp do người bị “ngáo đá” gây ra. Cuộc trao đổi giữa phóng viên với bác sỹ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội sẽ lý giải một phần hiểm họa này.

Phóng viên (PV): Xin bác sỹ cho biết, “ngáo đá” được hiểu đúng như thế nào?

Bác sỹ Lý Trần Tình: “Ngáo đá” là từ lóng để chỉ trạng thái “phê”; “say” Methamphetamine. Mức độ say Methamphetamine liên quan đến đường dùng và liều lượng sử dụng. Đường tiêm tĩnh mạch gây ra tình trạng say nặng nề nhất, kế đó là hút hoặc hít, đường uống hiếm khi gây ra loạn thần cấp. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ gây rối trật tự công cộng, làm náo loạn đường phố, gây thương tích cho người thân, cộng đồng do những con nghiện đang “phê” ma túy gây ra. Thời gian sử dụng ma túy đá sẽ thay đổi theo độ phê của dân “đập đá” trong lúc sử dụng. Sau khi thực hiện “đập đá”, tức các tuần hút, một số người sẽ “dồn coóng” (gom lượng ma tuý đá sót lại từ chân lên phễu coóng) để hút lần cuối, đây là tuần hút dễ bị “ngáo” (say) thuốc nhất, dân mới tập chơi rất sợ, thường không dám thử. Tuy nhiên, với giới “đập đá” sành sỏi, đây là tuần “chất” nhất, “phê” nhất.

Bác sỹ Lý Trần Tình.

PV: Có nhiều người quan niệm rằng, sử dụng ma túy đá không gây nghiện? Theo ông, cách nghĩ này là đúng hay sai và ông hãy cho biết cơ chế gây nghiện của ma túy đá?

Bác sỹ Lý Trần Tình: Ma túy đá là tên lóng của methamphetamine hydrochloride (viết tắt là meth) ở dạng tinh thể. Ma túy đá là một dạng ma túy tổng hợp được sản xuất từ ephedrine, một chất có trong các thuốc chữa bệnh ho và thuốc làm giảm cân. Ma túy đá hay hàng đá, là tên gọi chung cho các loại ma túy tổng hợp, có chứa chất meth và amphethamine (amph), thậm chí là nikethamid được phối trộn phức tạp từ nguyên liệu tự nhiên và hóa chất khác nhau. Ma túy đá là một chất kích thích rất mạnh hệ thần kinh trung ương, khả năng gây nghiện rất mạnh.

PV: Ông hãy cho biết, sử dụng ma túy đá gây ra những tác động xấu như thế nào đến sức khỏe người sử dụng? 

Bác sỹ Lý Trần Tình: Ma túy đá có tác dụng kích thích nhất thời hệ thống thần kinh trung ương gây hưng phấn và ảo giác hoang tưởng cho người sử dụng. Do vậy chúng còn gọi là "các chất loạn thần", "ma túy điên", "ma túy bạo lực". Hiện nay, các chất ma túy này được coi là những chất ma túy nguy hiểm nhất. Khi vào cơ thể nó gây tác động mạnh lên thần kinh trung ương, làm não tiết ra rất nhiều dopamin, một chất gây cảm giác hưng phấn, tự tin và hạnh phúc.

Người dùng sẽ bị ảo giác, hoang tưởng không biết mệt mỏi, thức liên tục trong thời gian phê thuốc và không muốn ăn vài ngày, thậm chí vài tuần. Trong thời gian đó, con nghiện “đá” sẵn sàng có những hành động điên rồ, gây hại cho bản thân mình và cho người khác, gây ra những vụ án hết sức manh động như cướp của, giết người, hiếp dâm, hiếp trẻ em, gây tai nạn giao thông...

Người nghiện ma túy đá khi thiếu thuốc gây ra sự hoảng sợ, lo lắng, ảo giác, nghĩ là có sâu bọ bò trên da, dẫn đến cào cấu mặt mũi tay chân cho đến rách da. Người nghiện sợ ánh sáng, ảo tưởng có người truy sát mình, do vậy không ra khỏi nhà, quên cả ăn uống. Sau khi thức 3 - 7 ngày, người nghiện ngủ liền 3 - 5 ngày sau đó lại phải sử dụng lại ma túy đá mới chịu nổi. Meth là chất ma túy gây nghiện rất phổ biến và rất nguy hiểm hiện nay.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hậu quả mà xã hội phải gánh chịu do người sử dụng ma tuý đá gây ra?

Bác sỹ Lý Trần Tình: Rất nhiều vụ án rùng rợn gần đây do người sử dụng ma tuý đá gây ra hầu hết đều do hoang tưởng hoặc ảo giác chi phối. So với các loại ma túy khác, ma túy tổng hợp đặc biệt là ma túy đá nguy hiểm hơn nhiều do độ ảo, độ phê của nó. Thanh niên chỉ sau vài lần sử dụng đã bị lệ thuộc, bị nghiện. Trong số các vấn đề liên quan đến pháp luật do ma túy gây ra thì 48% liên quan đến ma túy đá.

PV: Khi bị “ngáo đá” cần phải làm gì? Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã có liệu trình điều trị người sử dụng ma tuý đá và “ngáo đá” như thế nào thưa ông? Thời gian điều trị và chi phí cho việc này cụ thể như thế nào ạ?

Bác sỹ Lý Trần Tình: Ngày 10/9/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã Ban hành kèm theo Quyết định số 3556/QĐ-BYT “Hướng dẫn chẩn đoàn và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma tuý tổng hợp dạng Amphetamine”. Căn cứ hướng dẫn này, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và các cơ sở chuyên khoa khác đã tiến hành các trị liệu bằng thuốc hướng thần và một số liệu pháp tâm lý. Vài năm gần đây, gần như ngày nào ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng có một số người nghiện ma túy đá bị loạn thần vào điều trị. Họ có thể do gia đình đưa vào, nhưng cũng không ít trong số họ do Công an đưa đến do họ có những hành vi gây mất trật tự an ninh xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Tiếc rằng, với những người này lại chỉ điều trị thời gian ngắn (vài tuần) sau đó xin về vì không có ma túy họ không chịu được. Chi phí cho việc chữa trị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền mà chắc chắn thấp hơn nhiều so với tiền mua ma túy. Đây là bệnh mà họ tự gây ra, họ phải chi trả toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, cũng như điều trị các loại nghiện khác, nghiện ma túy đá cần có sự quyết tâm cao của người bệnh, sự quan tâm của gia đình cũng như những cơ chế chính sách phù hợp.

PV: Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.