Sở Y tế TP Hồ Chí Minh "thanh minh" về lô thuốc đặc trị hết "đát"

Thứ Năm, 11/05/2017, 16:14

Ngày 10-5, Sở Y tế TP. HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Y tế giải trình về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng thuốc Tasgina 200 mg của Bệnh viện Truyền máu & Huyết học (BV TMHH) TP.HCM. 


Trong đó, Sở này cũng báo cáo, khi có kết luận thanh tra số 08/KL-TTTP ngày 10-2-2017, Sở đã chỉ đạo Giám đốc BV TMHH tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan về các thiếu sót trong việc làm thủ tục tiếp nhận chậm trễ hơn 34.000 viên thuốc Tasigna. Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cũng thừa nhận, lỗi để hàng chục ngàn viên thuốc quí giá bị huỷ bỏ có trách nhiệm của Sở Y tế TP. HCM.

Điểm lại quá trình thủ tục nhập lô thuốc Tasgina 200mg cho thấy, giai đoạn đàm phán và chuẩn bị hồ sơ của BV mất 4 tháng 11 ngày; giai đoạn BV bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của Cục Quản lý Dược là 25 ngày và bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế là 1 tháng 7 ngày; thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày; Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố xử lý hồ sơ mất 3 tháng; UBND TP xử lý hết 10 ngày làm việc. Tính cả thời gian BV và công ty làm thủ tục tiếp nhận và tiếp nhận hàng về kho là 13 tháng 8 ngày.

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TP. HCM.

Được biết, quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc đến khi hoàn tất các thủ tục đưa về sử dụng của BV TMHH kéo dài trong khi thuốc Tasgina 200mg có hạn sử dụng ngắn (23 tháng). 

Tại thời điểm Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu thuốc (tháng 7-2014), thuốc chỉ còn hạn dùng 10 tháng nhưng Công ty Novartis vẫn gửi thuốc về Việt Nam. Sở Y tế TP. HCM cho rằng, trách nhiệm này thuộc về Công ty Novartis và BV.

Cũng theo báo cáo của Giám đốc BV với Sở Y tế, ngay từ khi nhận được thuốc, BV đã nhận thức được việc chắc chắn không thể sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. Do vậy, BV đã tổ chức họp khẩn với các bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tuỷ (CML) kháng trị thuốc Glivec (50 người tham gia) để giải thích về lợi ích của việc sử dụng thuốc Tasigna, sau đó có 26 người tham gia chương trình (đồng chi trả là 42 triệu đồng/năm). 

BV cũng chủ động đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các BV khác trong toàn quốc hoặc thông báo cho các nơi khác chuyển bệnh đến nhưng không được phía công ty đồng ý. Công ty Novartis chấp nhận phương án hủy thuốc nếu thuốc hết hạn dùng và chuẩn bị ngay lô thuốc mới theo yêu cầu của BV để đảm bảo các bệnh nhân đã dùng thuốc không bị thiếu thuốc. 

Tháng 4/2015, BV đã nhận được lô thuốc mới nên tất cả các bệnh nhân đang tham gia chương trình đều được cấp phát thuốc đầy đủ.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, do đây là lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận thuốc viện trợ có điều kiện nên các chuyên viên các phòng chức năng của Sở còn lúng túng dẫn đến chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ 3 ngày, Sở Y tế phải rút kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng "truy lỗi" của BV TMHH, đó là việc lập kế hoạch dự trù số lượng thuốc hiến tặng của BV TMHH không sát với thực tế sử dụng: tiếp nhận 34.068 viên, sử dụng 14.611 viên, còn tồn 19.997 viên, dự trù 50 người tham gia nhưng thực tế chỉ có 26 người tham gia.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị, nếu BV xét thấy nhu cầu sử dụng thuốc Tasgina 200mg là cần thiết cho người dân thì tìm nguồn viện trợ khác theo đúng nghĩa viện trợ nhân đạo, không bao hàm việc đồng chi trả như Công ty Novartis đã làm. Đồng thời, khi ký hợp đồng tham gia chương trình này, phải xác định rõ "chủ sở hữu" của lô thuốc trên là của BV hay của Công ty Novartis vì trên thực tế, BV không thể tự quyết định cách sử dụng khi số thuốc trên gần hết hạn.

Qua vụ việc này, Sở Y tế cũng yêu cầu BV chấm dứt việc nhận thuốc viện trợ có hạn dùng ngắn; thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin thuốc viện trợ phải nhanh chóng…Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo tổ chức họp rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành y tế thành phố, cũng như đã ký công văn hướng dẫn tiếp nhận, quản lý tiền, hàng viện trợ, quà biếu, tặng cho các đơn vị trực thuộc. 

H.Nga
.
.
.