“Đặt điện cực não sâu” cơ hội cho bệnh nhân Parkinson

Thứ Hai, 14/12/2015, 14:06
Có thể nói, phương pháp “đặt điện cực não sâu" điều trị bệnh Parkinson được thực hiện tại TP HCM tới nay với khoảng 20 ca tại bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương và gần đây là BV Đại học Y dược (ĐHYD) TP HCM, đã thực sự mở ra một cơ hội lớn cho các bệnh nhân.

Sau 15 năm khốn khổ với căn bệnh này, ông T.V Khanh (60 tuổi, ngụ tại Bình Định) luôn sống trong nỗi lo lắng. Căn bệnh khiến cơ thể ông luôn run rẩy, mất kiểm soát, các cơ luôn căng cứng mỗi khi vận động.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân T.V.Khanh đặt điện cực não sâu tại bệnh viện ĐHYD TP Hồ Chí Minh.

Bệnh ngày càng nặng thêm trong khi điều trị nội khoa không đáp ứng, nhưng niềm vui đã trở lại khi ông Khanh được các BS khoa Ngoại thần kinh - BV ĐHYD phẫu thuật thành công vào cuối tháng 11/2015. Tuy nhiên, ông Khanh là trong số rất ít bệnh nhân có khả năng điều trị vì mức chi phí cho kỹ thuật này còn quá cao so với điều kiện của người dân.

Căn bệnh vận động như Robot vẫn chưa tìm ra nguyên nhân

TS-BS Nguyễn Minh Anh- Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ chế gây bệnh Parkinson vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, Đa số bệnh nhân mắc bệnh khi tuổi đã lớn và đặc thù bệnh khiến luôn cần phải có người thân ở bên cạnh hỗ trợ các việc sinh hoạt.

Thiết bị đặc biệt gắn trên đầu bệnh nhân trong kỹ thuật đặt điện cực não sâu.

Bệnh Parkinson hiện ảnh hưởng đến khoảng 6,5 triệu người trên thế giới và đáng báo động khi có dấu hiệu ngày càng trẻ hoá, ở độ tuổi từ 30-40. Riêng tại BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250 lượt bệnh nhân tới khám. Trong đó, phòng khám Thần kinh của BV đang quản lý 300 bệnh nhân đã có chỉ định phẫu thuật đặt điện cực não sâu nhưng chi phí hiện là rào cản duy nhất khiến nhiều bệnh nhân đành …uống thuốc cầm chừng.

Thuốc điều trị Parkinson là hoạt chất được đưa vào cơ thể như một chất giả lập dopamine. Tuy nhiên, khi dùng lâu ngày, thuốc bị phân huỷ, cơ thể lại tiết ra 01 chất giống như việc miễn dịch hay nói cách khác là quen, lờn thuốc. Người bệnh ngày càng cần liều cao lên. Giai đoạn cơ thể sống chung, hoà thuận với thuốc trị bệnh chỉ khoảng 5 năm. Sau đó ngoài việc phải tăng liều, tác dụng kém đi, đồng thời lại xuất hiện tác dụng phụ là triệu chứng “loạn động” làm bệnh nhân rơi vào tình trạng đi lại uốn éo như con rắn, té, ngã thường xuyên…lúc này bệnh nhân đã thực sự cần có chỉ định làm phẫu thuật đặt điện cực não sâu.

Phối hợp Chuyên khoa ăn ý quyết định thành công của “đặt điện cực não sâu”

Tâm sự về việc triển khai kỹ thuật này tại BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh, TS-BS Nguyễn Minh Anh nói, sau rất nhiều khó khăn, đến tháng 5-2015, khi BV ĐHYD TP Hồ Chí Minh có được hệ thống thiết bị đầy đủ (trị giá trên 10 tỉ đồng), họ đã thực hiện ca đầu tiên đặt điện cực não sâu cho một phụ nữ 50 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh, mắc bệnh hơn 7 năm, trong tình trạng thuốc điều trị đã không còn tác dụng.

Tới ca thứ 2, trường hợp ông T.V.Khanh vào cuối tháng 11-2015 là qui trình đã “chạy” suôn sẻ, và chính thức đưa vào hoạt động thường qui tại BV.

TS-BS Nguyễn Minh Anh ( đứng giữa) và ê kíp kỹ thuật viên chuẩn bị thiết bị trước ca mổ.

TS Minh Anh cũng cho biết, đặt điện cực não sâu được coi là một cuộc đại phẫu. Đòi hỏi độ chính xác rất cao. Có thể hiểu cơ chế của kỹ thuật cũng giống như thiết kế cho hoạt động của 01 chiếc máy tạo nhịp tim với việc kích thích vào vùng não bị khiếm khuyết. Trước tiên là tìm nhân sâu mà người ta gọi là “hạt nền”. Đặt điện cực vào đúng vị trí muốn kích thích. Từ điện cực này nối ra ngoài với một “cục pin” bằng một sợi dây. Khi bấm điều khiển, điện cực tức khắc hoạt động, điều khiển sự vận động cơ thể điều hoà trở lại.

Ngoài việc xác định đúng vị trí đặt điện cực, còn phải có tính được cường độ chuẩn. Ê kíp sẽ phải tìm ra “đáp số” của rất nhiều việc khó khăn như trên, còn phải tính toán việc tiết kiệm được pin, ít nhất là được 5 năm cho bệnh nhân.

Tránh việc 1-2 năm đã phải thay pin, với một cuộc mổ, và pin thì không rẻ : 500 triệu đồng/cục pin. Việc thực hiện được thường qui kỹ thuật này tại BV ĐHYD là một thuận lợi, nhiều bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị bệnh vì nằm hậu phẫu kéo dài, phải đi lại nhiều lần.

Ca mổ thành công hay không đã có câu trả lời ở ngay lần mở máy, “test” đầu tiên. Ngay khi “bật điện”, các vận động của bàn tay bệnh nhân như: nắm, xoè, độ mềm cơ, ...sẽ được kiểm tra, đánh giá.

Phần mềm hỗ trợ cho ca phẫu thuật.

Cũng chính vì lẽ đó mà thực hiện 1 ca đặt điện cực não sâu rất tốn thời gian. Có khi cả 10 h đồng hồ là bình thường. Ca bệnh nhân T.V. Khanh được thực hiện chỉ mất có 5h là một sự nỗ lực rất lớn của các BS. “Kỹ thuật không quá khó, nhưng hiệu quả chính là sự làm việc ăn ý, ngừa những biến chứng xuất huyết, nhiễm trùng sau mổ, điều chỉnh cường độ thiết bị, hay tập vật lý trị liệu để bệnh nhân tái thích nghi. Tất cả đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chính xác giữa BS Nội và Ngoại thần kinh. Đó là những yếu tố không thể thiếu trong thực hiện kỹ thuật này.”. BS Minh Anh nói.

Ngày 13/12, bệnh nhân T.V.Khanh cho biết, sau 20 ngày được đặt điện cực não sâu, hiện sức khỏe của ông đã tạm ổn, tự đi lại được trong nhà. Đánh giá của các BS sau mổ, tình trạng loạn trương lực cải thiện khoảng 80-90%, tình trạng run tay, chân đã không còn... hiện bệnh nhân này được tái khám sau mỗi 2 tuần. Chi phí cho ca bệnh khoảng 800 triệu, riêng chi phí của thiết bị cấy ghép là khoảng 750 triệu. Kỹ thuật này chưa được đưa vào danh mục chi trả của BHYT nên hiện BV cố gắng hỗ trợ bằng cách áp dụng chi phí trong giới hạn thấp nhất có thể cho người bệnh.

Huyền Nga
.
.
.