Lần đầu tiên siêu âm định vị trong phẫu thuật u não

Thứ Tư, 15/01/2020, 20:20
Ngày 15-1, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh và Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật siêu âm định vị trong phẫu thuật u não cho bệnh nhân N.A.D, SN 1975. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Bệnh nhân N.A.D (SN 1975, quê Nghệ An) được chẩn đoán u não vùng thái dương bên phải, kích thước lớn (5,0 x 5,5 x 6,0 cm). Khối u nằm sâu, xung quanh có nhiều cấu trúc mạch máu, thần kinh quan trọng như động mạch cảnh, vùng nhân xám trung ương... Vấn đề đặt ra là làm sao để lấy tối đa khối u trong khi vẫn bảo tồn được các mạch máu, các cấu trúc thần kinh quan trọng của bệnh nhân.

Với quyết tâm triển khai kỹ thuật mới mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, các bác sỹ đã sử dụng kỹ thuật siêu âm định vị trong phẫu thuật cho ca bệnh này.

Siêu âm trong mổ kết hợp hình ảnh cộng hưởng từ trước phẫu thuật được đưa vào hệ thống định vị thần kinh (Navigation) có giá trị hơn hẳn siêu âm đơn thuần trong việc định hướng không gian ba chiều. Chính vì vậy, có thể giúp các phẫu thuật viên hoạch định kế hoạch mổ (đường rạch da, mở xương, đường tiếp cận khối u qua não…).

Siêu âm định vị não

Đặc biệt, siêu âm trong mổ cho hình ảnh trong thời gian thực, nghĩa là hình ảnh thực tế của khối u ngay tại thời điểm phẫu thuật. Chính vì vậy, thông qua hình ảnh siêu âm trong mổ, phẫu thuật viên có thể xác định được đã cắt được bao nhiêu phần u, còn lại bao nhiêu, có thể cắt tiếp được không?

Việc xác định này trước kia chỉ có thể đạt được nếu có chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ trong mổ. Tuy nhiên, sử dụng siêu âm định vị trong phẫu thuật u não có chi phí thấp, tính linh hoạt cao và không mất thời gian như cộng hưởng từ hay cắt lớp vi tính trong mổ. Chất lượng hình ảnh của siêu âm rõ nét và không gây tác hại bức xạ ion hóa.

Bên cạnh đó, chế độ Doppler của siêu âm giúp các phẫu thuật viên phát hiện, tránh gây tổn thương các mạch máu quan trọng. Chính vì vậy, cho tới nay ở nhiều Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh trên thế giới, siêu âm dần trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng, hữu ích trong hỗ trợ các phẫu thuật viên thần kinh.

Sức khỏe của bệnh nhân D. hồi phục tốt. Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tự đi lại, sinh hoạt bình thường, không có thiếu sót thần kinh. Hiện nay, bệnh nhân đã được ra viện.


Tr.Hằng
.
.
.