Lần đầu tiên cứu sống bệnh nhi viêm màng não mủ nặng không để lại di chứng
Đây là một trường hợp đặc biệt, một thành công mới của Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, khi các bác sĩ không chỉ được cứu sống cháu bé, mà còn chữa khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trường hợp bệnh nhân này rất đặc biệt, rất khó chẩn đoán, khi các triệu chứng của cháu hoàn toàn trái ngược với những dấu hiệu thông thường.
Nụ cười hạnh phúc của bác sĩ Phạm Văn Hưng và gia đình bé Đồng Quốc Việt lúc cháu chuẩn bị ra viện. |
Bệnh viêm não mủ thường có ba triệu chứng để nhận biết là đau đầu, cứng cổ, và táo bón, nhưng cháu bé thì lại bị tiêu chảy, sốt, ho nên đã đánh “lạc hướng” chẩn đoán của bác sĩ, để chẩn đoán ban đầu là viêm màng phổi. Viêm màng não mủ ở trẻ còn có thể có biểu hiện nữa là co giật thì bệnh nhân này cũng lại không bị. Nguyên nhân lớn nhất là do việc lạm dụng kháng sinh đã làm mất đi dấu hiệu viêm màng não, khiến cho việc chẩn đoán khó do ít triệu chứng.
Khi xác định chính xác cháu bé bị bệnh viêm màng não mủ, với sự “tổng chỉ huy” của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, các bác sĩ của Khoa Nhi đã huy động tổng lực để cứu chữa cho cháu bé, với việc tăng kháng sinh loại tốt nhất với liều cao gấp đôi, đồng thời, áp dụng biện pháp mới nhất là truyền tĩnh mạch kéo dài 3 tiếng một lần với sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị hiện đại.
Chỉ sau vài ngày, cháu bé đã giảm sốt dần và rồi khỏi hẳn. Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp kiểm tra phản xạ của cháu, để xem bé có bị di chứng trí tuệ như thường thấy của các trường hợp mắc viêm màng não mủ nặng hay không, thì thật vui mừng khi cháu phản ứng nhanh nhẹn và hoàn toàn không có biểu hiện gì.
Từ trường hợp bệnh nhân này, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Bệnh nhân khó chẩn đoán, phát hiện bệnh muộn, có nguyên nhân chính là do đã sử dụng thuốc kháng sinh trước đó không đúng, khiến bệnh bị “méo mó”, không còn các triệu chứng thông thường của bệnh. Vì thế, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, không sử dụng kháng sinh cho trẻ, nếu không có ý kiến của bác sĩ, kẻo “tiền mất, tật mang”.