Khi giá dịch vụ y tế tăng: Nhóm cùng chi trả bảo hiểm y tế 20% cũng chịu tác động

Thứ Sáu, 13/11/2015, 09:59
Chỉ còn chừng 2 tuần nữa, giá dịch vụ y tế ở các bệnh viện (BV) sẽ đồng loạt tăng. Các đại diện của ngành Y tế đã nhiều lần khẳng định, việc tăng giá này không tác động đến người nghèo và những người có bảo hiểm y tế (BHYT). Nhưng thực ra, vẫn có nhóm được hưởng BHYT bị tác động mạnh, do phải cùng chi trả BHYT và tác động nhiều nhất là người không có BHYT.


Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh này Liên Bộ Y tế -Tài chính dự kiến chia làm hai giai đoạn: Từ nay đến cuối năm 2015 tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế. Quý I/2016 sẽ tính tiền lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ y tế. Do vậy, mức tăng từ nay đến cuối năm 2015 không nhiều, về cơ bản tiền khám bệnh không tăng. Tiền ngày giường bệnh tính phụ cấp trực 24/24 của cán bộ y tế vào thì với BV hạng I, hạng đặc biệt sẽ tăng khoảng 19.000đ/ngày điều trị, đối với BV hạng I tăng khoảng 15.000đ và đối với BV hạng III khoảng 11.000 đồng.

Đối với các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt, có nhiều bác sĩ tham gia như phẫu thuật tim, ghép tạng, thay khớp gối, khớp háng… thì mức tăng từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng. Còn các thủ thuật khác, có dịch vụ chỉ tăng vài nghìn đồng, có những dịch vụ không phải phẫu thuật thủ thuật thì từ nay đến cuối năm chưa tăng.

Người có BHYT cùng chi trả cũng chịu tác động khi tăng giá dịch vụ.

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam – đã cho biết về mức chi trả BHYT: BHXH sẽ chi trả chi phí KCB theo Luật BHYT, có một số nhóm dịch vụ như BHYT sẽ chi trả cho một số loại thuốc, vật tư y tế, vật tư thay thế mà chưa được kết cấu trong các dịch vụ kỹ thuật bằng giá mua vào của các cơ sở KCB. Đối với dịch vụ thứ 2 là tiền khám, tiền ngày giường và tiền các dịch vụ kỹ thuật sẽ được trả theo giá mà do Liên Bộ Y tế -Tài chính ban hành. Lần này, khi Liên Bộ điều chỉnh giá BHYT lên, thì tiền công khám, tiền ngày giường và tiền các dịch vụ kỹ thuật sẽ được quỹ BHYT trả ngoài mức giá đã được quy định tại Thông tư Liên bộ năm 2012.

Điều mà người dân còn băn khoăn là giá dịch vụ tăng sẽ tác động đến những ai và chất lượng dịch vụ có tương xứng? Theo ông Phạm Lương Sơn sẽ có hai nhóm người dân chịu ảnh hưởng. Nhóm có BHYT thì có nhóm được chi trả 100% là người nghèo, dân tộc, người có công… sẽ có tác động tích cực, khi toàn bộ chi phí được kết cấu đúng, đủ vào giá dịch vụ y tế, nên người bệnh không phải mua thuốc, vật tư y tế mà trước đó chưa được vào giá cũ. Đối với nhóm đồng chi trả, thì mức cao nhất là 20%, nên có vẻ số đồng chi trả cao lên, nhưng tổng chung từ việc không phải mua thuốc, vật tư y tế thì chi phí của người dân sẽ giảm. Với nhóm chưa tham gia BHYT, BHXH cần thời gian vừa đủ để người dân có thông tin và thấy cần thiết phải tham gia BHYT. Mục tiêu là hướng tới thị trường y tế minh bạch có sự cạnh tranh, BHXH Việt Nam kỳ vọng chất lượng y tế phải tăng và BV phải cải cách chất lượng về chuyên môn, phục vụ, quản lý. Lúc này, BV muốn có nhiều tiền, có nhiều bệnh nhân thì phải có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng – cho rằng, đối tượng sử dụng BHYT là những người trực tiếp liên quan đến vấn đề tăng viện phí. Các đối tượng đồng chi trả sẽ là các đối tượng chịu tác động vì mức đồng chi trả sẽ tăng lên, tùy theo nhóm. Giai đoạn 2 là tăng giá toàn bộ. Lúc đó, đối tượng chịu tác động mạnh là những người không có BHYT khi các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế điều chỉnh toàn bộ giá dịch vụ.

Ông Trần Tuấn cũng phân tích về chất lượng dịch vụ y tế khi tăng giá do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Giá trước đây thu tương ứng chưa theo giá thực mà mới điều chỉnh một chút đã đòi hỏi tăng chất lượng thì theo tôi chỉ mang tính tương đối. Có thể tăng, nhưng tăng ở mức độ nào, tăng ở tuyến nào thì phải chờ đợi và đánh giá thêm vì không dám chắc có tăng hay không. Thứ nữa, ảnh hưởng đến chất lượng y tế là vấn đề con người. Điều này rất quan trọng vì là vấn đề chuyên môn. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế hiện nay chưa đề cập đổi mới vấn đề chuyên môn. Mà vấn đề chuyên môn của bác sĩ thì lại xuất phát từ vấn đề cải tổ chất lượng bác sĩ ở các trường đại học. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới đều quan tâm bởi sự phát triển của công nghệ, kiến thức… đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo. Như vậy, để chờ đợi sự thay đổi rõ rệt trong vấn đề chất lượng dịch vụ y tế thì e rằng vượt quá thực tế hiện nay khi nền y tế của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Sự điều chỉnh giá sẽ tăng nguồn thu, nhưng không được bao nhiêu vì nhà nước đang có xu hướng cắt ngân sách, chuyển sang vai trò của BHYT chịu trách nhiệm, nên chờ đợi sự thay đổi, tăng chất lượng dịch vụ y tế. Tiếp nữa là phải tạo lập hành lang pháp lý. Trong quá trình này còn nhiều điều phải làm, nếu chúng ta hi vọng tính đúng tính đủ, và giá chất lượng dịch vụ y tế như mong đợi. Mong rằng, trong tiến trình làm, phải có sự tham gia của các bên phi lợi nhuận, cơ quan nghiên cứu khoa học, để công khai minh bạch, khoa học.

Việc tăng viện phí trong khi chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế trên cả nước chưa đồng đều, thậm chí chênh lệch quá lớn về năng lực của chuyện môn, có thể hạn chế quyền lợi của người bệnh. Đó là quan điểm của ông Trần Tuấn. Bởi, y tế tư nhân bám sát nhu cầu của người dân để đáp ứng. Nhưng, nếu chúng ta không có hành lang pháp lý rõ ràng về khả năng tiếp cận với BHYT, và việc tiếp cận vừa rồi được giải thích do các cơ sở y tế tư nhân chưa đảm bảo tiêu chuẩn thì phải nhìn nhận lại. Khi đã cấp giấy phép hành nghề cho y tế tư nhân thì nghĩa là chuyên môn phải đảm bảo nên phải bàn về vấn đề chi trả. Nếu chưa có hành lang pháp lý thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người dân.

Dạ Miên
.
.
.