Kháng thuốc trong bệnh viện đang ở mức báo động

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:52
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang diễn ra ở mức báo động tại hầu hết các cơ sở y tế, với tốc độ và mức độ ngày càng gia tăng. Điều này khiến cho chi phí điều trị tăng lên, thời gian điều trị kéo dài, tăng tỉ lệ tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và sự phát triển của xã hội. Chúng ta có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm trong tương lai.

Điều này được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB) cho biết tại hội thảo về phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 24/6, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và các tổ chức quốc tế.

Nhiều loại kháng sinh mất dần tác dụng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không giấu được lo ngại, khi việc kháng thuốc đã trở nên nguy hiểm và cấp bách ở các bệnh viện (BV), trong lúc bệnh lây nhiễm vẫn ở mức cao, gia tăng và diễn biến phức tạp, cần thiết sử dụng kháng sinh để điều trị.

Nguy cơ nhiều bệnh nhân nặng không có thuốc điều trị do kháng thuốc.

Đặc biệt, hơn 30 năm nay, chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỷ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Sử dụng kháng sinh trung bình ở các BV của Việt Nam cao hơn đáng kể so với Hà Lan và của 139 BV thuộc 30 nước châu Âu. Đáng lưu ý là, tỉ lệ kháng kháng sinh cao hơn ở những nơi tiêu thụ kháng sinh nhiều. Nhiều loại thuốc chỉ mới có mặt ở Việt Nam chưa được 10 năm cũng đã giảm tác dụng với các vi khuẩn và tỷ lệ đề kháng thuốc tăng dần qua các năm.

Theo báo cáo của gần 20 BV tuyến T.Ư, ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thì từ nhiều năm trước, đã có 30-70% vi khuẩn kháng với thuốc cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40-60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn khác giảm tác dụng với imipenem. 4 chủng vi khuẩn đa kháng kháng sinh nhất là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella spp. Sự kháng thuốc cao đặc biệt tới 66-83%.  Tình trạng này còn được phản ánh qua việc sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu không phù hợp với kết quả kháng sinh đồ là 74%.

Chính sự đa kháng thuốc kháng sinh ở các BV khiến cho nhiễm khuẩn BV đang gia tăng, trở thành thách thức lớn và mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Bởi nhiễm  khuẩn BV làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, càng làm tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị gấp 2-4 lần so với trường hợp không nhiễm khuẩn BV. Theo Bộ Y tế, viêm phổi BV là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm 55,4% và nhiễm khuẩn vết mổ chiếm 51% trong tổng số ca nhiễm khuẩn BV.

Việc các hiệu thuốc bán thuốc tùy tiện cũng góp phần vào việc làm cho kháng kháng sinh lan nhanh. Khảo sát việc bán thuốc ở các hiệu thuốc của các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở nông thôn. Các hiệu thuốc bán đơn có thuốc kê kháng sinh chiếm từ 24-30%; kháng sinh chiếm 13,4-18,7% tổng doanh thu. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn tới 88-91%. Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Khoảng 50% người dân thường mua kháng sinh mà không có đơn.

Kháng thuốc do tùy tiện sử dụng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế phân tích và chỉ ra. Đó là việc sử dụng thuốc quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng… đều gây ra tình trạng kháng thuốc. Ở Việt Nam, tình trạng người dân mua kháng sinh tự điều trị rất phổ biến, dẫn đến dùng kháng sinh cho cả những trường hợp không do nhiễm khuẩn, hay sử dụng thuốc không phù hợp với loại, chủng vi khuẩn, virus v.v…; không đúng liều, hàm lượng, thời gian sử dụng...

Nhiều bệnh truyền nhiễm chưa cập nhật thường xuyên hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, cùng với việc phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm không hiệu quả, cũng làm tăng kháng thuốc. Bên cạnh đó, công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc hạn chế, do thiếu năng lực, cùng với thiếu mạng lưới giám sát quốc gia về kháng thuốc, góp phần làm cho việc kháng thuốc gia tăng.

Một nguyên nhân kháng thuốc được chỉ ra, còn là do dùng kháng sinh, thuốc kích thích, thậm chí, thuốc ngoài danh mục lưu hành, để thúc đẩy tăng trưởng và phòng ngừa bệnh tật trong chăn nuôi, nhưng lại không kiểm soát hợp lý, gây ra kháng thuốc ở người. Kháng thuốc gia tăng còn do thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc của người khác vẫn diễn ra, dẫn đến sử dụng kháng sinh tùy tiện. Trình độ cán bộ y tế, trang thiết bị, đặc biệt ở cơ sở tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có điều kiện làm kháng sinh đồ, cũng làm tăng kháng thuốc. 

Để khẩn trương khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã có kế hoạch thành lập BCĐ Quốc gia về chống kháng thuốc, do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban và Thứ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT là Phó Trưởng ban. Từ đó, ngành Y tế sẽ hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn v.v…

Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng quy định về sử dụng kháng sinh, danh mục kháng sinh, giới hạn dư lượng kháng sinh trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản v.v…

Thanh Hằng
.
.
.