Kháng thuốc khiến nhiều người bệnh chỉ còn đường ra …nghĩa trang

Thứ Hai, 09/10/2017, 17:22
70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) - nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư nhưng điều đáng lo ngại là việc kháng thuốc kháng sinh khiến nhiều loại thuốc điều trị HP ở nước ngoài đạt hiệu quả tới 80% -90%, thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80%, thậm chí có khi chỉ còn 50%- 60%. 

Đây là thông tin mới nhất về hậu quả của kháng thuốc kháng sinh được đưa ra tại hội nghị khoa học quốc tế về tiêu hóa gan mật diễn ra tại Hà Nội ngày 9-10.

Cách đây 2 tuần, Bộ Y tế cũng thừa nhận tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang ở mức nguy hiểm. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. 

Trong khi đó, nghiên cứu của ngành y tế đã chỉ ra có tới 88% nhà thuốc ở thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán kháng sinh không theo đơn. 

Ông Nguyễn Văn Kính-  Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ông từng thử vào hiệu thuốc mà không cần đưa bất cứ đơn thuốc kháng sinh nào, người bán cũng bán, kể cả kháng sinh thế hệ mới.

 Ông Lương Ngọc Khuê -Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết, việc các nhà thuốc tùy tiện bán kháng sinh không cần đơn thuốc là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh. 

Bên cạnh đó, còn do các bác sỹ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp cũng như lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt....

Theo ông Cao Hưng Thái -Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, một nghiên cứu của Cục Quản lý KCB ở hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 BV lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM cho thấy có tới 74% sử dụng kháng sinh không phù hợp. 

Điều này không chỉ khiến thất bại điều trị lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp, mà còn gây ra tình trạng kháng thuốc khi hầu hết các kháng sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine… hay kháng sinh cephalosporn thế hệ thứ 3 đều đã xuất hiện các khuẩn kháng thuốc. Do đó, nếu không ngăn chặn kịp thời, tương lai không có thuốc chữa bệnh đang ở cận kề.

Ông Nguyễn Văn Kính-  Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hậu quả của kháng thuốc là rất lớn, dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, sử dụng nhiều thuốc, tăng chi phí điều trị. 

Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn. Hiện chỉ một số BV Trung ương hoặc tuyến tỉnh có labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý.

Kháng thuốc sẽ khiến nhiều bệnh nhân bị đe dọa tính mạng

Các BV còn lại thì việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ. Vì thế, việc sử dụng nhiều loại kháng sinh chưa hợp lý. Đặc biệt, nhiều người ngại đến BV khám bệnh, nên cứ sốt là nghi ngờ nhiễm khuẩn và tự mua thuốc, thậm chí, chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh…

Nghiên cứu của Trường Đại học Dược Hà Nội cho thấy, số lượng người bệnh ở Việt Nam sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần so với người bệnh các nước châu Âu.

“Nếu không bắt đầu từ hôm nay thì tương lai, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn chỉ còn con đường đến... nghĩa trang, bởi vì kháng hết các thuốc kháng sinh thì không còn thuốc chữa”- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương lo ngại.

Đặc biệt, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết một thông tin đáng báo động: Có đến 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện, mà có một nguyên nhân khá phổ biến là rất nhiều trẻ được cha mẹ tự mua thuốc điều trị với liều lượng và chủng loại kháng sinh không hợp lý. Nhiều bệnh nhi chuyển từ tuyến dưới lên đã bị nhiễm khuẩn rồi nên cũng có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại BV. 

Mà việc xử lý bệnh nhân bị kháng thuốc rất khó khăn. Phải có sự phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất, đồng thời phải theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các em bé để có thể vượt qua dược tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Hàng ngày, BV phải xác định những ca nhiễm khuẩn BV và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng ca bệnh. 

Trong số 1.700 bệnh nhi điều trị nội trú, hầu hết đều trong tình trạng rất nặng: hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70-80 ca... Vì thế, việc kháng thuốc kháng sinh là điều đáng báo động, khi có nguy cơ đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Bộ Y tế cho biết, thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Trong khi tốc độ kháng thuốc ngày càng tăng thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có quá ít loại kháng sinh mới được nghiên cứu và phát triển để chống lại mối đe dọa của những căn bệnh nhiễm trùng kháng nhiều loại thuốc. 

Thế giới sắp cạn kiệt các loại kháng sinh hiệu quả là cảnh báo đầy lo ngại của WHO. Việc thiếu thuốc kháng sinh có thể khiến hàng triệu người đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng, như bệnh lao kháng thuốc, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình trạng kháng thuốc kháng sinh tác động lớn đến kinh tế - xã hội ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo của WHO về tình trạng kháng thuốc cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, số ngày nằm viện tăng hơn 3,2 triệu ngày và tăng số tử vong 38.000 người/năm; ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm do kháng thuốc kháng sinh.


Thanh Hằng
.
.
.