Khẩn trương vào cuộc để "hạ nhiệt" bệnh sởi và tay chân miệng

Thứ Hai, 15/10/2018, 08:57
Trước nỗi lo dịch tay chân miệng (TCM) tái trở lại như năm 2011 và dịch sởi cũng đang có nguy cơ sốt lên "sình sịch" như năm 2014 tại khu vực phía Nam, tại cuộc họp với y tế dự phòng của 28 tỉnh, thành phía Nam vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (YTDP) Trần Đắc Phu đã nhấn mạnh: "Chống dịch phải chủ động đi trước một bước! Y tế đừng làm âm thầm, phải đưa được địa phương vào cuộc!".

Bệnh sởi, tay chân miệng xuất hiện ở nhiều tỉnh phía Nam

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, 9 tháng đầu năm đã có 2.180 ca nhập viện do TCM, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9 đã có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều ca ở địa bàn lân cận chuyển tới.

Thời điểm hiện tại, mỗi ngày BV khám, tiếp nhận tới 8.000 trẻ nên tình trạng chật chội, ngột ngạt là điều không thể tránh khỏi. BV cũng phát hiện 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Thời điểm hiện tại, Khoa Nhiễm cũng đang điều trị cho 19 ca sởi.

Ngành Y tế nhận định, tại khu vực phía Nam năm nay, số ca sởi, TCM có dấu hiệu gia tăng trên các địa bàn: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8, số ca mắc TCM đã tăng nhanh. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Các địa phương có số ca mắc bệnh cao là Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch. 10-11 huyện trên địa bàn ghi nhận có ca bệnh, đặc biệt ghi nhận dịch tễ cho thấy, các ca bệnh tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ.

Qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số mắc phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Tại Bình Dương, từ tháng 9 đến nay, số ca sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca TCM. Cũng giống như Đồng Nai, Bình Dương rất khó quản lý các đối tượng mắc bệnh là người dân nhập cư. Địa bàn này có tới 90% đối tượng trẻ em thuộc diện trẻ nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc TCM thấp hơn 20%, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55%, số ca sởi cũng thấp hơn. Nhưng vì sao số ca mắc các bệnh trên có dấu hiệu tái xuất hiện, gia tăng và co cụm ở 3 địa bàn trên? PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định, tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.

Theo PGS Phan Trọng Lân, đối với nhóm mắc sởi trên 5 tuổi, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao, vì thế rất cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng, chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân sởi để tạo hàng rào phòng dịch.

Đối với bệnh TCM, từ tháng 9 đến nay, tại 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ đều có số ca tăng cao. Với căn bệnh này, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Riêng tại các trường học mầm non, để phòng tránh bệnh TCM thì các cô bảo mẫu trực tiếp chăm trẻ chính là "hàng rào" phòng dịch tốt nhất cho trẻ. Trong đó chú trọng tới việc vệ sinh tay, vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, nơi học tập.

Bài học lớn nhất của dịch sởi là tỉ lệ bao phủ tiêm phòng càng cao càng tốt.

Chống dịch không thể làm "âm thầm"

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhận định như vậy, bởi công tác phòng chống dịch hiện nay không còn đơn thuần của một mình ngành y tế do liên quan mật thiết tới các yếu tố xã hội. Phòng chống dịch phải chuyển dần từ y tế thuần tuý sang giải quyết các vấn đề xã hội. Qua khảo sát của Bộ Y tế tại Điện Biên, Lào Cai, và tỉnh Đồng Nai vừa qua, Cục YTDP nhận thấy ngành y tế chưa tham mưu được cho chính quyền địa phương, cứ một mình âm thầm làm việc.

"Nếu ông Phó Chủ tịch tỉnh không kí kế hoạch phòng chống dịch thì không có tiền mua vắc xin, tiền công cho người cán bộ đi tiêm phòng"- Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Phu, điều cần làm vẫn là thay đổi ý thức của người dân. Làm sao bệnh nặng thì hãy đưa lên, còn bệnh nhẹ thì ở tại chỗ địa phương. Vì nếu trẻ bị sởi, TCM khi lây ra bệnh nhân bị bệnh khác đang nằm viện (viêm phổi kháng thuốc, tim mạch...) thì nghiễm nhiên trẻ đó bị mắc 2 bệnh và khi 2 bệnh nặng cùng tấn công thì nguy cơ tử vong. Ở những tỉnh, thành khó quản lý con người thì ngành y tế phải chủ động, đi trước 1 bước. Chỉ cần mỗi năm có khoảng 10% trẻ bị sót, không được tiêm phòng sởi thì sau 4-5 năm, số trẻ chưa được tiêm phòng sởi sẽ tăng lên khoảng 50% trong số trẻ trên một địa bàn.

Ngoài ra, còn có nhiều người dân bị ảnh hưởng của trào lưu "anti vắc xin". Tiêm tốt, đảm bảo kĩ thuật là trách nhiệm y tế. Nhưng vận động người đi tiêm, quản lý người đi tiêm thì là nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Nhiều bà mẹ mải mưu sinh bỏ con phó mặc cho bảo mẫu vậy phải tìm cách truyền thông để họ không quên tiêm phòng cho con. Do đó, trong giải pháp chống dịch, ngành y tế không thể làm việc một cách âm thầm.

Khi điều tra những đối tượng tiêm vét cần nỗ lực và tiếp cận với chính quyền, chủ nhà trọ, doanh nghiệp để quản lý. Giám sát phát hiện sớm và phát hiện kịp thời. Nếu phát hiện ca đầu tiên thì kiểm soát kịp thời được ổ dịch. Ngoài ra, cần tham mưu, kêu gọi sự hỗ trợ các cấp của chính quyền địa phương, một mình ngành y tế không làm được. Bài học lớn nhất của dịch sởi là tỉ lệ bao phủ tiêm phòng càng cao càng tốt.

Với bệnh TCM hãy tuyên truyền để người dân hiểu, tác hại sẽ lớn ra sao khi một trẻ bị TCM nặng phải chạy máy ECMO để cứu sống mà chi phí sẽ lên tới 500 triệu đồng/ca. Trong khi ấy nếu chỉ cần giảm được 10 trẻ thoát bệnh TCM trong một ổ dịch thì kết quả đã là rất lớn.

Huyền Nga
.
.
.