Khẩn cấp lên kế hoạch phòng chống dịch Zika xâm nhập

Chủ Nhật, 31/01/2016, 08:35
Diễn biến của bệnh do virus Zika gây ra ngày càng phức tạp, khi số nước có bệnh tiếp tục tăng, lên tới gần 30 quốc gia. Căn bệnh này đang trở thành nỗi khiếp sợ của thế giới bởi khi thai phụ nhiễm bệnh, virus này có thể gây ra tình trạng tổn thương não ở thai nhi, khiến những đứa trẻ sinh ra có não bộ nhỏ hơn bình thường.

Đáng lo ngại hơn nữa là trong khi tốc độ lây truyền nhanh, thì hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như không có phương pháp điều trị nào cho virus Zika.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp tại Văn phòng EOC – Cục Y tế dự phòng với đại điện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đại diện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (CDC US) tại Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì, để đưa ra các phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra khả năng ứng phó với dịch bệnh mới nổi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, chỉ trong vòng 8 tháng qua,  kể từ khi được phát hiện tại Brazil, bệnh Zika đã bùng phát và lây lan với tốc độ nhanh chóng. Hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, không loại trừ khả năng virus Zika xâm nhập vào nước ta, bởi nhiều yếu tố: Thứ nhất là do trong nước ta đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika hoàn toàn có thể lây truyền từ nơi có muỗi Aedes lưu hành.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng với căn bệnh này, đây là virus mà thế giới chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng.

Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Ông Kato, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh, dù mối liên hệ này vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu rõ hơn. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, WHO sẽ họp khẩn cấp các quốc gia vào ngày 1-2-2016, để bàn phương án ngăn chặn dịch bệnh. Ông Kato nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần chuẩn bị tốt các phương án ứng phó kịp thời và nâng cao hệ thống chẩn đoán, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực nhân viên y tế để chuẩn bị cho khả năng xấu nhất khi phát hiện ra ca bệnh nhiễm virus tại bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo.

Ông Anthony, Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ khẳng định sẽ hỗ trợ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh qua các công cụ cần thiết và đội ngũ chuyên gia đến từ Hoa Kỳ.

Để ngăn chặn dịch xâm nhập vào Việt Nam cũng như đối phó trong tình huống xấu nhất là dịch xuất hiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các Vụ, Cục chức năng cần nhanh chóng phối hợp lên kế hoạch phòng chống dịch toàn diện từ kịch bản phòng chống dịch bệnh mới nổi đã được Bộ Y tế xây dựng, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin, khuyến cáo chi tiết cho người dân. Trong đó, quy trình giám sát, phát hiện và hướng dẫn xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị phải được đặc biệt chú trọng. Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các quốc gia đang có dịch bệnh, đồng thời, cập nhật các thông tin cần thiết đến với người dân, để mọi người nắm được tình hình bệnh chủ động phòng và ứng phó.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch. Thứ trưởng Long nhấn mạnh Bộ Y tế sẽ nỗ lực hết mình trong công tác phòng chống dịch do virus Zika và phối hợp toàn diện với WHO và CDC Hoa Kỳ trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch, đảm bảo an ninh dịch bệnh cho người dân.

Thanh Hằng
.
.
.