Khẩn cấp chống viêm phổi lạ

Thứ Ba, 21/01/2020, 08:56
Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu giao lưu thương mại, du lịch với Trung Quốc tăng cao, trong khi bệnh viêm phổi cấp do virus mới corona (nCoV) đang bùng phát và lây lan mạnh tại nước này. Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp thứ 3 tử vong do virus nCoV, hiện bệnh đã lây lan sang một số nước trong khu vực châu Á.


Bô Y tế khẳng định, nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào nước ta là hoàn toàn có thể trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân, vì vậy công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh đến từ vùng dịch vào Việt Nam tại các cửa khẩu, đặc biệt 3 sân bay có đường bay thẳng đến TP Vũ Hán đang được tiến hành khẩn cấp. 

Ngày 20-1, Trung Quốc ghi nhận ca tử vong thứ 3 do virus nCoV tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Theo Ủy ban Y tế TP Vũ Hán, một trường hợp tử vong và 59 ca nhiễm viêm phổi mới được báo cáo vào ngày 18-1 và 77 trường hợp mới mắc trong ngày 19-1, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm phổi cấp trong thành phố lên 198 trường hợp.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh đến từ vùng dịch vào Việt Nam tại các cửa khẩu.

Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Bộ Y tế tổng hợp từ các nguồn tình hình bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus nCoV cho biết, trong số các trường hợp mắc viêm phổi cấp ở Trung Quốc, có 5 trường hợp vẫn ở trong tình trạng nặng, 12 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp khác trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Tại một số quốc gia khác trong khu vực châu Á đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV xâm nhập bao gồm: Thái Lan 2 trường hợp (cả hai trường hợp này đều là người cư trú tại TP Vũ Hán và đến Thái Lan du lịch), Nhật Bản 1 trường hợp (đây là người Nhật trở về từ TP Vũ Hán và có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp tại TP Vũ Hán). Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người của virus nCoV. Hàn Quốc cũng đã thông báo ghi nhận ca mắc viêm phổi cấp do nCoV đầu tiên.

Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, thông qua việc giám sát tại cửa khẩu của hệ thống kiểm dịch y tế, tại Đà Nẵng đã phát hiện 2 trường hợp (trú tại TP Vũ Hán, Trung Quốc  nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Cả hai đã được cách ly và quản lý kịp thời. Qua theo dõi sức khỏe cả hai trường hợp này đều không có các biểu hiện khác của bệnh viêm phổi, sau đó đã hết sốt, kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV và đã được xuất viện để trở về nước. Như vậy đến ngày 19-1-2020, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV.

Trước nguy cơ lây bệnh viêm phổi do virus nCoV vào nước ta trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, bệnh viện và tại cộng đồng để phát hiện sớm và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện trường hợp bệnh xâm nhập, đồng thời tổ chức các đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện một cách liên tục kể cả trong dịp Tết Nguyên đán và những ngày lễ hội dịp đầu năm.

Tại 3 sân bay có đường bay thẳng tới TP Vũ Hán, Trung Quốc là sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), công tác kiểm tra y tế được thực hiện chặt chẽ đối với khách nhập cảnh, đặc biệt là khách đến từ vùng dịch. 

Cách đây 3 ngày, sân bay Cam Ranh đã bố trí thêm 3 máy đo thân nhiệt bằng hồng ngoại tại khu vực xuất và nhập cảnh với khách nước ngoài, nâng tổng số máy đo thân nhiệt được trang bị lên 5 chiếc. Nếu hành khách có thân nhiệt trên 38 độ C sẽ được hệ thống thông báo, từ đó ngành chức năng sẽ kiểm tra sâu về sức khỏe để đảm bảo an toàn. Nhân viên y tế túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát tình trạng sức khỏe các hành khách đi và đến cảng.

Theo Bộ Y tế, các bệnh viện được bố trí tiếp nhận và điều trị người bệnh bị viêm phổi cấp do virus nCoV như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh… đã tổ chức đội chống dịch sẵn sàng “lên đường ngay” nếu có ca bệnh do chủng virus nCoV xâm nhập. 

Các  bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, đồng thời triển khai quy trình sàng lọc, cách ly và điều trị cho người nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn tổ chức các đội cấp cứu ngoại viện, tăng cường giám sát nhằm phát hiện ca bệnh do chủng virus mới đến từ vùng dịch là TP Vũ Hán.

Nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn vào dịp Tết

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu lợn có xu hướng gia tăng do người dân mổ lợn liên hoan, ăn tiết canh, ăn thịt chưa chế biến chín. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận trường hợp ông H.V.L (58 tuổi, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu vô cùng nguy kịch do liên cầu lợn. Tại Quảng Ninh thời gian qua xuất hiện nhiều ca bệnh liên cầu khuẩn lợn do chủ quan khi ăn tiết canh và giết mổ, sơ chế thịt lợn bị xây xước.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh liên cầu lợn diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng trong thời gian ngắn. 

“Qua theo dõi tiếp nhận, những bệnh nhân mắc liên cầu lợn xuất hiện rải rác, tuy nhiên phát hiện nhiều hơn vào dịp cận Tết. Như năm ngoái chúng tôi cũng đã tiếp nhận trường hợp nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh khi liên hoan cuối năm” – BS Thắng cho biết. 

Tết là thời điểm bệnh liên cầu khuẩn lợn gia tăng do người dân mổ lợn liên hoan, ăn tiết canh, ăn thịt lợn chưa chín. Mặc dù ăn tiết canh đã được cảnh báo dễ mắc liên cầu khuẩn lợn nhưng vẫn có nhiều người sử dụng, thậm chí có người còn chủ quan cho rằng “lợn nhà nuôi” an toàn nên vẫn vô tư sử dụng. 

Đây là quan niệm hết sức sai lầm, bởi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn liên cầu ký sinh vùng họng lợn ở lợn khỏe sẽ không phát bệnh (lợn lành mang mầm bệnh) và sẽ gây bệnh ở những con lợn yếu. 

Vậy nên kể cả lợn lành mang mầm bệnh và lợn bệnh thì trong tiết hay thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn liên cầu gây bệnh, nếu không nấu chín đều có nguy cơ lây nhiễm rất cao. (Minh Thư)

Các biện pháp phòng chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV

1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

4. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

5. Những người trở về từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại TP Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Trần Hằng
.
.
.