Kéo ngược bệnh nhân bằng bài toán nâng cao chất lượng bệnh viện

Thứ Ba, 17/12/2019, 07:42
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số: “Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỉ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh”.

Không chỉ ra nước ngoài chữa bệnh, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương quá tải do người bệnh vượt tuyến, trong khi có những bệnh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện hoàn toàn điều trị được. Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để kéo ngược bệnh nhân từ nước ngoài về, từ tuyến Trung ương về tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh về tuyến huyện. 

Bài 1: Tiếc nuối cho những ca xuất ngoại sai lầm

Xuất ngoại chữa bệnh đã diễn ra nhiều năm nay và con số gần 2 tỉ USD mà người Việt chi ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm đã nói lên một thực tế, nếu như các (BV) bệnh viện tuyến cuối có thể nắm bắt được lượng bệnh nhân này thì không chỉ nâng cao uy tín của bệnh viện, tay nghề của bác sĩ, mà đây còn là nguồn thu rất lớn cho BV. Bởi có người xuất ngoại tìm đến các BV có tiếng ở các nước có nền y học tiên tiến và đã được chữa khỏi bệnh. Nhưng cũng không ít bệnh nhân sống dở chết dở tại các BV nước ngoài, mất tiền tỉ mà bệnh tình càng trầm trọng, rốt cuộc lại phải về Việt Nam chữa trị…

Ca bệnh “xuất ngoại” không may mắn mà báo chí phản ánh đã cách đây không lâu là điển hình của việc sống dở, chết dở ở nước ngoài. Đó là trường hợp một phụ nữ có thai bị rau tiền đạo, BV Phụ sản Trung ương chỉ định phải mổ lấy con và cắt tử cung. Nhưng chị ấy nghe theo lời “cò mồi” nên đã ra nước ngoài để chữa bệnh, chi phí hết 1 tỉ đồng. Bác sĩ nước ngoài cũng mổ lấy thai, cắt tử cung như chỉ định của BV Phụ sản Trung ương, nhưng không hiểu vì sao, họ lại cắt luôn niệu quản của chị. Đến 23 Tết âm lịch, họ cho chị về Việt Nam và hẹn mồng 8 Tết sang khám lại.

Khi trở lại đất nước đó để tái khám, riêng tiền hội chẩn, bác sĩ nước ngoài yêu cầu chị phải nộp 12.000 USD, và nếu nối lại niệu quản thì chị sẽ phải mất 46.000 USD nữa. Thấy số tiền quá lớn và quá bất công (vì chính họ cắt niệu quản của chị), người mẹ này đã phải quay về Việt Nam, vào BV Việt Đức chữa trị.

Sau này tôi nghe các bác sĩ BV Việt Đức kể lại, thứ 2 chị nhập viện BV Việt Đức, thứ 3 chị được chỉ định mổ cấp cứu, thứ 7 chị đã được xuất viện. Tổng chi phí của chị tại BV Việt Đức hết 9 triệu. So với chi phí 1 tỉ đồng trước đó chị chi cho BV nước ngoài, mới thấy quyết định xuất ngoại của chị thật là sai lầm và đáng tiếc.

Một người quen của tôi cho biết, anh nuối tiếc khi đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng kết quả lại không như mong muốn mà chi phí bỏ ra quá lớn, khiến gia đình anh đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Cách đây 2 năm, bố anh được BV K chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, không còn cơ hội phẫu thuật, chỉ điều trị bằng hóa chất và xạ trị. Nghe điều này, anh không tin tưởng và quyết định đưa bố ra nước ngoài chữa bệnh.

Bệnh viện K ứng dụng phẫu thuật nội soi Robot vào điều trị ung thư

Chuyến đi đầu tiên chi phí khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu, thuê phiên dịch, thuê nhà, ăn ở, đi lại đã tiêu tốn gần 1 tỷ đồng. Riêng chụp PET đã cao hơn gấp nhiều lần so với giá trong nước. Sau 5 lần truyền hóa chất ở nước ngoài, do quá tốn kém, gia đình anh đã đưa bố về nước. Lúc này, khối u di căn ra vào gan, dạ dày và không còn đáp ứng với hóa chất, khi đưa bố quay trở lại BV trong nước, các bác sĩ đã lắc đầu. Hơn 2 tháng sau, bố anh mất.

“Bệnh của bố tôi nên điều trị trong nước vì có ra nước ngoài cũng không cứu được. Nếu ở trong nước điều trị, mẹ tôi còn có nhiều thời gian ở bên chăm sóc hơn. Đây là điều nuối tiếc nhất của gia đình tôi” – anh nói. 

 Con số 2 tỉ USD ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm nói lên điều gì? Điều đó chứng tỏ điều kiện kinh tế của một bộ phận người Việt Nam không ngừng nâng cao, đi đôi với việc chất lượng cuộc sống cũng có yêu cầu cao hơn, đặc biệt là khám, chữa bệnh. Trong buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Y tế với UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã cho biết, một bộ phận người dân sống ở TP Móng Cái cứ đau ốm là sang Đông Hưng, Trung Quốc chữa bệnh mà không tới các bệnh viện trong nước, trong khi chi phí chữa bệnh tại Trung Quốc rất cao. Vì sao người dân vẫn bỏ tiền ra nước ngoài chữa bệnh? Có lẽ, đây là câu hỏi của rất nhiều nhà quản lý, của ngành Y tế, không chỉ đối với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Về câu hỏi này, Phó Giáo sư (PGS) Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: “Đây là câu hỏi mà nhiều nhà quản lí, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều bác sĩ trăn trở đi tìm lời giải. Tôi cảm thấy vừa bức xúc, vừa tiếc nuối cho người bệnh. Trong lĩnh vực ngoại khoa của tôi, rất nhiều bệnh nhân đã ra nước ngoài chữa bệnh, và kết quả không thật sự mỹ mãn như người ta kỳ vọng.

Trong số 62 bệnh nhân ghép gan tại BV Việt Đức, có 5 bệnh nhân ra nước ngoài rồi lại quay lại chỗ chúng tôi để ghép. Về mặt xã hội, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 – 10 lần ở Việt Nam. Ví dụ ghép gan ở nước ngoài hết khoảng 6 tỉ thì ở Việt Nam chỉ hết khoảng 1,5 tỉ. Tôi hay nói đùa, “họ đã trả học phí một cách ngu ngốc”.

GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từng chia sẻ, giá một ca ghép tế bào gốc ở nước ngoài cao gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Người dân ra nước ngoài ghép tế bào gốc không phải bởi nơi đó giỏi hơn Việt Nam mà chỉ bởi họ chưa được truyền thông rộng rãi về những thành tựu ghép tế bào gốc trong nước. Trong khi đó, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Viện Huyết học – truyền máu TP Hồ Chí Minh hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc, đã ghép thành công cho hàng trăm ca với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với bệnh nhân ra nước ngoài.

Theo nhiều người, họ ra nước ngoài chữa bệnh không chỉ vì tin vào y học tiên tiến của nước đó, mà còn là do chất lượng khám chữa bệnh trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Một bộ phận người dân còn chưa thực sự tin vào chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh trong nước. Tình trạng quá tải BV khiến họ ám ảnh. Các dịch vụ chăm sóc y tế chưa cao, chưa đồng bộ khiến người bệnh mệt mỏi, nên họ đã chọn cách ra nước ngoài để điều trị.

Đặc biệt, một số bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tế bào gốc ra nước ngoài chữa bệnh vì họ cho rằng các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch. Bên cạnh đó không ít người ra nước ngoài chữa bệnh là do tâm lí sính ngoại, cố gắng ra nước ngoài bằng mọi giá, trong khi có những bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối thì dù nước có có nền y học tiên tiến cũng không cứu được.

Thu Phương – Trần Hằng
.
.
.