Kết hợp quân dân y để chăm sóc sức khỏe nhân dân:

Hơn 20 chuyến bay đột xuất đưa người bệnh vào đất liền cấp cứu

Chủ Nhật, 08/05/2016, 09:36
Cứ mỗi khi có dịch lớn, thảm họa hay thiên tai, sự tiên phong có mặt, xông xáo và trách nhiệm của các chiến sĩ quân y cùng với lực lượng y tế địa phương kịp thời tổ chức cứu chữa cho nạn nhân, giảm thương tích và tử vong, đã trở thành hình ảnh đẹp, không thể thiếu, tạo nên niềm tin yêu trong nhân dân suốt 10 năm qua –10 năm thực hiện kết hợp quân và dân (KHQDY) trên cả nước.

Trong các tình huống đột xuất về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, hay thiên tai thảm họa, sự kết hợp giữa dân và quân y mang ý nghĩa đặc biệt. Những chiến sĩ bộ đội áo trắng có mặt rất sớm trong những vụ bão, lụt, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất... xảy ra ở Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, cháy rừng ở Lào Cai, Cà Mau; bão lũ tại miền Trung các năm 2007, 2008, 2011... đã cấp cứu, vận chuyển, góp phần làm giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân.

Nhờ kết hợp quân dân y, người dân vùng cao được chăm sóc sức khỏe chu đáo.

Bộ Quốc phòng đã điều động hàng trăm tổ quân y đến các khu vực trọng điểm, phối hợp với các bệnh viện (BV), các trung tâm y tế địa phương cấp cứu, điều trị cho nhân dân. Đặc biệt, trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007, 11 tổ quân y của Quân khu 9 đã có mặt kịp thời, tham gia cấp cứu tại hiện trường và phun thuốc xử lý vệ sinh môi trường được 10.000m².

 BV Quân y 121 (Quân khu 9) đã xử trí cấp cứu 32 nạn nhân, trong đó nhiều bệnh nhân rất nặng đã được cứu chữa khỏi; tiếp nhận bảo quản 49 nạn nhân tử vong, phối hợp với các cơ quan chức năng xác định danh tính và cùng các cơ quan chức năng chuyển nạn nhân về địa phương đảm bảo an toàn, tình nghĩa.

Một minh chứng nữa cho công tác KHQDY trong cứu hộ, cứu nạn là ở vụ sập cầu treo Chu Va (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) năm 2014. Ngay sau khi xảy ra sự cố, BV Bạch Mai, BV Việt Đức đã cử đoàn công tác gồm hàng chục chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, chấn thương chỉnh hình mang theo các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu, máu, dịch truyền đến Lai Châu cứu chữa cho nhân dân.

Cùng lúc, lực lượng quân y và y tế địa phương cũng có mặt, kịp thời khắc phục hậu quả, cứu chữa cho các nạn nhân. Lực lượng cán bộ y tế trong và ngoài quân đội được huy động đông đảo đã nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai, hạn chế thấp nhất tử vong.

Riêng vụ cháy nổ ở nhà máy Z121, Quân khu 2 đã cử 8 tổ cấp cứu gồm 37 người và 8 xe cứu thương phối hợp với Viện Bỏng quốc gia, BV Quân y 103 và y tế địa phương cứu chữa, vận chuyển 47 nạn nhân, góp phần giảm tỷ lệ thương vong cho người bị nạn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa quân dân y giúp cho ngành y tế luôn chủ động trong phòng và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, thảm họa gây ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Vai trò của việc KHQDY ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, biển, đảo càng đặc biệt, khi mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) và phòng chống dịch bệnh có mặt khắp mọi miền.

Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng và các địa phương đã xây dựng được hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới, thực sự là “cánh tay kéo dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp dân phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Ngoài KCB, quân y bộ đội biên phòng còn tham gia các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản..., vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu. Các phòng khám của quân y biên phòng thực sự là chỗ dựa cho bà con ngư dân trên biển mỗi khi bị bệnh, nhất là khi cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở y tế trên đất liền.

Trong 10 năm qua, dự án QDYKH đã đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã, củng cố hơn 500 trạm với tổng ngân sách 420.397 triệu đồng. Số trạm y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được củng cố là 410 trạm (chiếm 77,50%).  Bảo đảm y tế cho nhân dân vùng biển, đảo là một vấn đề hết sức đặc thù, khó khăn, nhưng có tính chiến lược trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Vì vậy thời gian qua, dự án QDYKH đã đầu tư cơ bản trang thiết bị y tế có kết nối mạng Internet phục vụ triển khai hệ thống Telemedicine cho các phòng mổ trên huyện đảo: Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Thổ Chu; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các huyện đảo: Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô vv…

Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết: Bộ Quốc phòng không bao giờ từ chối người dân ở các hải đảo khi bị ốm đau và đã tổ chức hơn 20 chuyến bay khẩn cấp, đột xuất trên biển để đưa người dân vào bờ. Những khi thời tiết xấu, vẫn chờ ngay khi có thể đi được là máy bay hoặc tàu ra đón người bệnh vào bờ chăm sóc sức khỏe.

Trên khu vực quần đảo Trường Sa – DK, Cục Quân y tham mưu cho Bộ Quốc phòng cử các tổ quân y từ các BV quân y đến thường trực tại bệnh xá các đảo, chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tăng cường cho huyện đảo Trường Sa.

Ngoài hình thức đào tạo tập trung, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, các BV quân y, BV dân y tuyến Trung ương đã cử hàng trăm cán bộ xuống giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả cho các BV, bệnh xá tuyến dưới, tiêu biểu là các BV Bạch Mai, Việt Đức, BV Quân y 108, 175, 103...

Ban Quân dân y cấp Bộ còn hỗ trợ kinh phí cho các Quân khu tổ chức đào tạo hàng nghìn nhân viên y tế thôn bản, từ nguồn chiến sỹ là con em đồng bào dân tộc, trở về tham gia làm công tác y tế thôn bản.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định: 10 năm thực hiện KHQDY, cái được lớn nhất là lòng tin của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người, cư dân, ngư dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, biển, đảo chính nhờ được bình đẳng trong KCB.

Thanh Hằng
.
.
.