Trò chuyện Chủ nhật

“Hộ chiếu vaccine” - Cơ hội “mở cửa” trong tình hình mới

Chủ Nhật, 28/03/2021, 07:45
Ngành Y tế đã có những chuẩn bị gì để triển khai "hộ chiếu vaccine", những khó khăn gặp phải khi triển khai ra sao? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về vấn đề này.

Nhiều nước đã ứng dụng "hộ chiếu vaccine COVID-19" để theo dõi lịch sử tiêm chủng của người dân, giúp họ thuận tiện trong việc xuất nhập cảnh sang các nước. Việc có hộ chiếu vaccine có thể sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, giao thông, phát triển kinh tế… bên cạnh những lợi ích thì vẫn có những rủi ro nhất định trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh trên toàn cầu, tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine COVID-19 còn quá thấp, thời gian tồn tại miễn dịch sau tiêm vaccine bao lâu vẫn còn đang đánh giá.

Ngành Y tế đã có những chuẩn bị gì để triển khai "hộ chiếu vaccine", những khó khăn gặp phải khi triển khai ra sao? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, xin ông giải thích rõ hơn về "hộ chiếu vaccine" COVID-19 đang được nghiên cứu và có thể sẽ được thực hiện ở Việt Nam?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: "Hộ chiếu vacccine" thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 theo quy định, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế. "Hộ chiếu vaccine" COVID-19 cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm. 

Sau khi người dân được tiêm vaccine COVID-19 sẽ được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành Y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm. "Hộ chiếu vaccine" giúp cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã được tiêm vaccine COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Phóng viên: Việc chuẩn bị triển khai "hộ chiếu vaccine" của ngành Y tế đến thời điểm này như thế nào rồi, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: "Hộ chiếu  vaccine" vẫn còn là một vấn đề đang được nghiên cứu thảo luận trên thế giới do đòi hỏi các nước phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng theo quy định để có được miễn dịch cộng đồng và vẫn đang nghiên cứu dự vào hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với sự biến chủng của virus SARS-CoV-2. 

Đến nay, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai và chủ đạo xây dựng phần mềm quản lý đối tượng tượng tiêm chủng bằng mã QR, đảm bảo tính xác thực thông tin tiêm chủng  vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã làm việc với cơ quan Đầu mối Y tế quốc tế (IHR) các nước để phối hợp, đề xuất phương án áp dụng bộ chiếu vaccine phù hợp khi đủ điều kiện.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao cho Tập đoàn Viettel và Bộ Y tế cùng các bộ, ngành chuẩn bị cơ sở hạ tầng để áp dụng hộ chiếu vaccine. Hiện nay chúng ta đang triển khai ở bước đầu. Việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng là cần thiết cho việc áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới. Tiếp đó sẽ bàn việc thực hiện việc hộ chiếu vaccine hay "giấy tiêm chủng vaccine" theo mẫu nào, loại vaccine gì và với nước nào...và bàn đến việc đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm.

Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi của người dân các nước đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở. Các nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4-2021.

Phóng viên: Khi triển khai "hộ chiếu vaccine", người dân cần thực hiện những gì, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Người dân khi đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin người đi tiêm. Thông tin người dân đến tiêm thu thập từ 2 nguồn, từ cơ sở y tế lập danh sách đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và do người dân đến trực tiếp cơ sở y tế để cung cấp thông tin. 

Trước khi thực hiện tiêm, cán bộ ở bộ phận tiếp đón thực hiện chụp ảnh người dân/người được tiêm để lưu lại trên hệ thống (nếu cần). Thông tin người dân chính thức được xác thực từ cơ sở y tế và lưu trữ vào công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) khi thực hiện mũi tiêm đầu tiên. Giải pháp được triển khai trên trang website phục vụ công tác tiêm và tra cứu thông tin, trên ứng dụng điện thoại di động cho người dân và bác sĩ. 

Tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vaccine, điều khoản tiêm chủng… Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng,"hộ chiếu vaccine" có những thuận lợi gì đối với người dân khi ra nước ngoài?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Chúng ta vẫn đang làm việc với các nước trên thế giới về "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code. Cách thức này dựa vào 2 dữ liệu cơ bản là số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ các mũi vaccine theo quy định, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực thông tin các mũi tiêm. 

Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân. Việc quản lý hệ thống hồ sơ sức khỏe của người dân tích hợp thông tin tiêm chủng, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân thống nhất, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm chủng mà còn kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong bối cảnh có dịch bệnh.

Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân. 

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, với kỳ vọng vào "hộ chiếu vaccine COVID-19" sẽ mở rộng phát triển kinh tế mang ý nghĩa toàn cầu. Vậy đứng về phía ngành Y tế, để đảm bảo cả hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch tốt vừa phát triển kinh tế thi cần có thêm khuyến cáo gì bên cạnh "hộ chiếu vaccine"?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan lơ là, thực hiện tất cả các thông điệp 5K + vaccine để phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Phóng viên: Sự kiểm soát "hộ chiếu vaccine" sẽ cần điều kiện gì khi còn nhiều yếu tố như: Thời gian miễn dịch, chất lượng vaccine COVID-19… vẫn còn nhiều băn khoăn, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Việc có "hộ chiếu vaccine" có thể sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, giao thông, phát triển kinh tế… tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp thu nghiên cứu, đó là: Thứ nhất, hiện nay trên thế giới có nhiều loại vaccine COVID- 19 khác nhau, với đánh giá hiệu quả miễn dịch khác nhau, có loại 74%, có loại  90%... câu hỏi về thời gian tồn tại miễn dịch bao lâu. 

Bên cạnh đó, vaccine vừa tiêm cũng chưa có hiệu lực phòng bệnh ngay, thông thường phải từ 7 đến 15 ngày thì cơ thể mới sản sinh ra kháng thể và sau tiêm tiếp mũi 2 mới có khả năng bảo vệ (đó là đối với vaccine phải tiêm 2 mũi); thứ hai, các vaccine COVID-19 đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, hiện nhiều loại mới chỉ đánh giá được hiệu quả trong giảm được triệu chứng, giảm được tử vong. Hơn nữa, sự xuất hiện liên tục các biến thể virus SARS-CoV-2 đã cho thấy có tác động lên vaccine. Chưa kể có thể xuất hiện hộ chiếu vaccine giả, đây là vấn đề mà chúng ta cũng phải tính tới.

Hiện tại, số người tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam còn ít, chưa đảm bảo tỷ lệ người dân được tiêm để tạo được miễn dịch cộng đồng, nên nếu chỉ cần lọt 1 ca mà chưa được tiêm vaccine, hoặc tiêm rồi nhưng không có miễn dịch vẫn có thể mắc bệnh thì đây cũng là nguy cơ gây lây nhiễm bùng dịch… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp, như có thể kết hợp "hộ chiếu vaccine" với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để quyết định. Vì vậy, việc triển khai "hộ chiếu vaccine" chúng ta phải có kế hoạch và giải pháp bước đi thận trọng với tinh thần đảm bảo an toàn là trên hết.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.