Gia đình 13 người đội mưa đi hiến máu giữa tâm dịch
- 200 cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La hiến máu tình nguyện
- Gần 400 giáo viên, sinh viên An ninh hiến máu vì đồng đội thân yêu
- Tôn vinh nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an hàng chục lần hiến máu tình nguyện
Cả nhà cùng đi hiến máu
Sáng 2-8, gia đình ông Lê Trung Truyền thuê một chuyến xe ô tổ chở 13 người trong nhà từ xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, Hưng Yên lên Hà Nội hiến máu. Ông Truyền đã quá 2 tuổi để được hiến máu, nhưng ông vẫn đi cùng 13 anh em họ hàng, các con dâu rể đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hai người anh họ của ông và các con trai, gái, dâu, rể cùng các cháu là những người đầu tiên hiến máu sáng nay.
Các con, cháu ông Truyền đang đăng ký hiến máu |
Cách đây 13 năm, ông Truyền đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm người nhà nằm viện, ông thấy rất nhiều bệnh nhân cần máu để chữa bệnh. Tuy nhiên nguồn máu của bệnh viện lại khan hiếm. Ông Truyền quyết định đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để thử máu và hiến máu cứu người. Từ đó, người đàn ông làm nghề nông không ngừng hiến máu. “Cứ đến kỳ hạn 90 ngày là tôi lại hiến”, ông hào hứng chia sẻ.
Không chỉ vậy, ông Truyền còn truyền cảm hứng cho toàn bộ 5 người con gồm 4 gái, 1 trai của mình và các con dâu, rể, các cháu, anh em trong họ cùng tham gia hiến máu. Ông chia sẻ: “Của cải tôi không có dư giả nhiều, chỉ có cái tấm lòng, mình làm việc tốt, hiến máu cứu sống người là thấy tâm nhẹ nhàng”.
Ông Truyền cổ vũ cháu gái hiến máu |
Mọi khi, mỗi lần lên Hà Nội hiến máu, cả nhà ông thường có từ 20- 25 người đi, nhưng hôm nay theo ông Truyền, có nhiều con cháu ông bận việc gia đình nên chuyến này đi chỉ có 13 người. Cứ ba tháng một lần, họ đều định kỳ đi hiến máu. Con rể ông Truyền, anh Nguyễn Đức Phúc cho biết, đến nay anh đã có hơn 30 lần hiến máu, nhưng con số này cũng chưa là gì so với vợ anh đã 38 lần hiến máu.
Tuy nhiên, hôm nay vợ anh đang mang bầu nên không tham gia hiến máu cùng. “Đợt dịch COVID-19 lần trước, Viện Huyết học điều xe ô tô về đưa cả nhà tôi lên hiến máu”, anh Phúc kể lại.
Anh Nguyễn Đức Phúc, con rể ông Truyền hiến máu lần thứ 30 |
Con gái thứ 3 của ông Truyền là Lê Thị Thiệp lần này tiếp tục cùng chồng hiến máu tại "Giọt hồng tri ân". Chị Thiệp tâm sự, chị hiến máu từ khi còn học đại học, đến nay được 20 lần. Chồng chị cũng rất hào hứng ủng hộ truyền thống của gia đình nhà vợ. Nhiều năm nay, anh luôn đồng hành cùng cả nhà trong các chuyến đi đặc biệt như thế này.
Khắc phục khan hiếm máu trong mùa dịch
Ngày 1 đến 2-8, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP Nội và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu “Giọt hồng tri ân”. Từ sáng, chị Đỗ Thị Phương, ở thị trấn Chi Đông, Mê Linh, Hà Nội cùng con trai là công nhân kỹ thuật của Công ty Samsung Bắc Ninh đèo nhau bằng xe máy đến hiến máu. Chị Phương cho biết, các thành viên trong gia đình chị gồm chị, con trai, vợ chồng con gái năm nào cũng hiến máu từ 2-3 lần. “Hôm nay con gái đang nuôi con nhỏ, con rể bận đi làm nên không đi được”, chị Phương kể. Hiến máu từ năm 2012, đến nay đã chị Phương đã hiến gần 20 lần. Con gái chị cũng có “thành tích” 15 lần hiến máu, con rể 10 lần, con trai út 6 lần.
Chị Phương cùng con trai đi xe máy từ Mê Linh đến hiến máu |
Hành trình Đỏ năm 2020 đặc biệt hơn mọi năm khi rơi vào thời điểm xuất hiện một loại virus SARS-CoV-2 chủng mới tác động lớn đến mọi mặt xã hội. Tình trạng thiếu máu vì khan hiếm nguồn hiến đã diễn ra từ đầu năm. Hành trình Đỏ năm nay được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay với thời gian dài nhất (trong 58 ngày), nhiều địa phương tham gia nhất (42 tỉnh, thành phố).
Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra với chương trình Hành trình Đỏ là vừa bảo đảm hiến máu an toàn, bổ sung lượng máu dự trữ cho tháng 8, vừa tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Vì thế, mọi công tác phòng dịch tại điểm hiến máu được đặt lên hàng đầu để người dân yên tâm tham gia hiến máu.
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện Trưởng Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2020 cho biết, với mục tiêu ban đầu là tiếp nhận 80 nghìn đơn vị máu, nhờ sự phối hợp và vào cuộc trách nhiệm của các địa phương, chương trình đã tổ chức được 302 điểm hiến máu, bao gồm các ngày hội chính và các điểm hiến máu hưởng ứng với trên 101.600 đơn vị máu đã được hiến tặng.
Chị Phạm Thị Hương, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng gần 20 lần hiến máu |
Ảnh hưởng COVID-19 đã khiến thời gian đầu năm, Việt Nam rơi vào tình trang khan hiếm máu trầm trọng. Nhiều chương trình hiến máu của các đơn vị lớn bị hoãn liên tiếp. Vì thế, thành công của Hành trình Đỏ năm nay không chỉ vượt xa sự mong đợi của Ban tổ chức về số địa phương tham gia, về số đơn vị máu tiếp nhận.
Chương trình còn có ý nghĩa đặc biệt khi Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các địa phương vừa cùng ngành y tế chống dịch, vừa phối hợp chặt chẽ tổ chức hiến máu phù hợp với nhu cầu sử dụng máu.
“Dù không thể hội quân để đánh dấu sự về đích của chặng đường dài trong gần 2 tháng qua nhưng Ban tổ chức vẫn thật tự hào, biết ơn tinh thần tình nguyện của hàng vạn tấm lòng nhân ái từ khắp mọi miền đã trao giọt máu đào và sự chung sức, sẻ chia của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các tình nguyện viên và các đơn vị phối hợp”, TS Bạch Quốc Khánh nói.
Lương máu dự trữ của Đà Nẵng vẫn đủ dùng trong 10 ngày tới: “Ngay ngày đầu Đà Nẵng phong tỏa, lượng máu trong kho của BV Đà Nẵng có 1.600 đơn vị, đến hôm nay (2/8) còn khoảng 1.000 đơn vị. BV Đà Nẵng vẫn thực hiện tốt công tác cung cấp máu và chế phẩm máu cho các BV trong khu vực. Giống như BV Bạch Mai bị phong tỏa ở đợt dịch trước, chúng tôi vẫn cung cấp đủ máu cho các BV. 1.000 đơn vị máu trong kho hoàn toàn đủ dùng cho các BV ở Đà Nẵng trong vòng 1 tuần và 10 ngày sắp tới. Nếu thiếu chúng tôi sẽ điều thêm máu từ Trung tâm truyền máu miền Trung đặt tại Huế để cung cấp cho Đà Nẵng. Tôi kêu gọi mọi người tiếp tục hiến máu, ngoài cung cấp cho Đà Nẵng, Quảng Nam thì chúng ta có đủ lượng máu cho công tác cấp cứu, điều trị trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra”, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nói. |