Hệ thống cấp cứu sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19

Thứ Năm, 24/06/2021, 09:39
Nhằm đảm bảo an toàn trong xử trí các tình huống cấp cứu do các phản ứng sau tiêm, theo chỉ đạo của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, Trung tâm cấp cứu 115 cùng toàn bộ các bệnh viện trên địa bàn thành phố tổ chức các kíp cấp cứu cùng phương tiện, xe cứu thương phụ trách tất cả các điểm tiêm chủng tại cộng đồng. 



Theo đó, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, triển khai 22 kíp cấp cứu (1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực tại điểm tiêm. 

Nhiệm vụ phối hợp với bác sĩ tổ tiêm chủng phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm sau khi xử trí tại chỗ, nếu cần hỗ trợ chuyển viện an toàn; triển khai 21 tổ chuyên gia thường trực tại điểm tiêm theo Công văn 3846/SYT-NVY (01 bác sĩ và 01 điều dưỡng chuyên về hồi sức cấp cứu kèm vali hồi sức cấp cứu). Nhiệm vụ chỉ huy chuyên môn cấp cứu tại chỗ, hỗ trợ xử trí cấp cứu nâng cao và chuyển viện. 
Xe cấp cứu của Bệnh viện 30-4 Bộ công an túc trực sẵn sàng tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6.

Tại các điểm tiêm chủng quận huyện, Sở Y tế đã phân công, bố trí lực lượng tại 96 điểm tiêm chủng cộng đồng. Trong đó có căn cứ theo nguồn lực tại chỗ của điểm tiêm chủng gồm việc bố trí các đội tiêm, vị trí địa lý, phương tiện tại chỗ đã bố trí phù hợp. Đảm bảo khi có sự cố có lực lượng tại chỗ xử trí ban đầu thuộc đội tiêm chủng, huy động báo động đỏ xe cấp cứu tại các bệnh viện được phân công và chuyển bệnh an toàn (nếu có chỉ định).

Ngoài ra, quy trình báo động đỏ của các bệnh viện luôn sẵn sàng khi nhận được tín hiệu. Sở Y tế giao Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động cấp cứu cho chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố.

TP Hồ Chí Minh tăng số giường điều trị COVID-19 lên 5.000 giường

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc đã vượt qua con số 2.000 trường hợp (ngày 23/6), ngành Y tế thành phố đã chủ động tăng số giường điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 từ 3.500 giường lên 5.000 giường theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố giao. 

Theo đó, ngoài 9 bệnh viện (với quy mô 3.500 giường) đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố, ngành Y tế tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện (BV) huyện Bình Chánh (với quy mô 500 giường) và BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức (với quy mô 1.000 giường) trở thành những bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số giường điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố lên 5.000 giường.  

Theo đó, BV huyện Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành “BV điều trị COVID-19 Bình Chánh”, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 25/6. 

Sở Y tế phân công BV Bệnh Nhiệt Đới hỗ trợ nhân lực chuyên khoa Nhiễm và BV Nguyễn Tri Phương hỗ trợ nhân lực chuyên khoa Hồi sức cấp cứu cho BV điều trị COVID-19 Bình Chánh. BV điều trị COVID-19 Bình Chánh có quy mô 500 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 20 giường hồi sức.

BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức, vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của BV để trở thành “BV điều trị COVID-19 Thủ Đức” theo mô hình “tách đôi BV”, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28/6.

 Sở Y tế phân công BV Lê Văn Việt tạm thời tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức, BV TP Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại khoa Hồi sức của BV Đa khoa Khu vực Thủ Đức.

 Ngoài ra, BV Bệnh Nhiệt Đới hỗ trợ nhân lực chuyên khoa Nhiễm và các BV đa khoa, chuyên khoa của thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa để can thiệp điều trị tại chỗ. BV điều trị COVID-19 Thủ Đức có quy mô 1.000 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 25 giường hồi sức. 

Như vậy, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành Y tế thành phố đã chủ động hiện thực hoá kế hoạch 5.000 giường điều trị COVID-19 bằng nhiều phương thức khác nhau như: BV dã chiến, tạm thời chuyển đổi công năng toàn bộ BV hoặc chuyển đổi công năng một phần BV (theo mô hình tách đôi BV đối với các BV hội đủ các điều kiện cả về hạ tầng cơ sở và nhân lực) trở thành BV chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19.

 Như vậy, các BV chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố hiện nay là: (1) BV dã chiến Củ Chi (300 giường); (2) BV điều trị COVID-19 Củ Chi (500 giường); (3) BV điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường); (4) BV điều trị COVID-19 Bình Chánh (500 giường); (5) BV điều trị COVID-19 Thủ Đức (1.000 giường); (6) BV điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); (7) BV điều trị COVID-19 Trưng Vương (1.000 giường); (8) BV Nhi Đồng thành phố (100 giường); (9) BV Nhi Đồng 2 (60 giường); (10) BV Bệnh Nhiệt Đới (400 giường); (11) BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức).

H.Nga
.
.
.