Hai anh em ruột ở Hà Nội tử vong do nhiễm Whitmore
- Tháng 10 là “mùa dịch bệnh Whitmore “, người dân phải cảnh giác
- Bệnh whitmore không trở thành dịch
- Căn bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn cánh mũi”gây tử vong 40%
- Lại xuất hiện bệnh lạ “ăn” cánh mũi, 4 người đã tử vong
Ba anh em tử vong trong 7 tháng
Ba cháu nhỏ tử vong từ đầu năm 2019 đến nay đều là con của anh T.V.C (32 tuổi) và chị N.N.Q (26 tuổi) trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn Hà Nội. Mới đây nhất trưa ngày 16/11, bé T.Q.H con út của anh C và chị Q (sinh ngày 30/4/2018) đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Trước đó, vào 6/4/2019, con gái đầu của anh C. và chị T. (SN 2012) bị sốt và gia đình tự mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, bệnh của cháu bé không thuyên giảm, ngày 8/4, cháu bé được đưa vào Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, nhưng diễn biến nặng và ngày 9/4 cháu được chuyển tới Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Cháu bé tử vong sau vài tiếng vào viện do chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.
Theo gia đình anh C. cho biết, ngày 27/10 vừa qua, đứa con trai thứ 2 (SN 2014) của vợ chồng anh bị sốt kèm theo đau bụng. Ngày 28/10, cháu bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương và 3 ngày sau cháu bé tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Kết quả cấy máu của cháu bé dương tính với vi khuẩn Burkholderiaseudomallei (gây bệnh Whitmore).
Hơn 10 ngày sau, đứa con trai út 18 tháng tuổi T.Q.H. của vợ chồng anh C cũng sốt 38,5 độ và được đưa tới Trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày.
Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Cháu bé cũng được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore và tử vong khi đang lọc máu.
Nỗi đau mất 3 đứa con trong vòng 7 tháng khiến gia đình anh C. không khỏi đau đớn và nhận được những ánh mắt nghi ngại, đồn thổi của hàng xóm về dịch bệnh mà gia đình anh mắc phải.
PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ với báo chí |
Trao đổi với PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 18/11, ông Điển khẳng định, 2 ca bệnh nhi là con anh C. tử vong trong 1 tháng qua đều dương tính với vi khuẩn Whitmore. Hai cháu bé chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tháng 10 và 11 trong tình trạng sốt. Riêng cháu lớn qua điều tra tại gia đình, cháu phát bệnh vào tháng 4/2019 và chuyển tới Bệnh viện Xanh Pôn, sau đó tử vong nên không đủ tiêu chuẩn đánh giá ca bệnh, vì vậy không xác định được cháu có mắc Whitmore hay không.
PGS Trần Minh Điển cho biết, trường hợp của bé H. khi đến cấp cứu, trẻ vẫn tỉnh táo, sốt, thỉnh thoảng rét run, được chuyển thẳng vào khoa Điều trị tích cực. Do biết về “tiền sử” ca bệnh của anh cháu bé trước đó, các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh mạnh và tăng cường miễn dịch, tình trạng cháu bé có cải thiện.
Tuy nhiên, 3 – 4 ngày sau bệnh cháu bé tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua. Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Theo ông Điển, vì hai ca tử vong liên tiếp là anh em ruột, nên các bác sĩ phải xem xét đặc tính của những người trong gia đình của bệnh nhân. Các bác sĩ đã lưu ý xem các cháu có bị suy giảm miễn dịch hay không. Tuy nhiên kết quả kiểm tra miễn dịch thể, dịch tế bào, kể cả các chức năng bạch cầu của các bé đều trong giới hạn, có nghĩa là các bé đều có đáp ứng miễn dịch bình thường.
Cần kiểm tra nguồn nước
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, sau 2 anh em trong một gia đình ở Sóc Sơn tử vong, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thông tin với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để tiến hành điều tra dịch tễ tại gia đình các cháu. Trong chiều 18/11, trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện chưa đủ bằng chứng cho rằng hai cháu bé lây cho nhau. Việc 2 cháu bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm.
“Việc điều tra dịch tễ tại gia đình cháu bé chưa có gì đặc biệt. Cả nhà đều khỏe mạnh, bố mẹ đi làm công ty ở Khu công nghiệp Quang Minh. Tại trường học và hàng xóm chung quanh cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân”- ông Cảm nói.
Một số trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh Whimore |
Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại khắp nơi, chủ yếu trong bùn, đất, xâm nhập qua vết thương do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Theo ông Cảm, biện pháp cơ bản là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị. Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít. Đặc biệt, những người bệnh lý như đái tháo đường… có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, cần kiểm tra, xem xét thói quen sinh hoạt trong gia đình bệnh nhân, như cách thức ăn uống, tắm giặt… và cả nguồn nước dùng hằng ngày. Vi khuẩn Whitmore tồn tại xung quanh chúng ta, luôn sẵn sàng tấn công con người. Chính vì thế, việc phòng ngừa hữu hiệu nhất là chúng ta phải biết cách vệ sinh, ăn chín uống sôi, trong gia đình luôn có cồn 90 độ, nước sát trùng betadine để khi chân tay bị xây xước, vết thương hở phải khử trùng ngay nhằm phòng ngừa bệnh.