Giảm giá dịch vụ, các bệnh viện phải tiếp tục nâng cao chất lượng

Thứ Sáu, 29/06/2018, 15:10
Sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15 về quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng có hiệu lực từ ngày 15-7-2018, đã có nhiều ý kiến thắc mắc. Vì thế, ngày 29-6, Bộ Y tế đã gặp gỡ báo chí để giải thích một số nội dung xung quanh Thông tư này.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư 15 giảm giá 80 dịch vụ y tế và tăng một số dịch vụ. Việc điều chỉnh giá là cần thiết vì theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 chưa điều chỉnh mức đóng BHYT, do đó phải điều chỉnh để bảo đảm cân đối Quỹ BHYT cho đến năm 2020. Việc điều chỉnh giá cũng nhằm hạn chế, kiểm soát việc chỉ định các dịch vụ bởi những dịch vụ có số lượng sử dụng nhiều thì cần phải giảm giá, để hạn chế chỉ định không cần thiết

Một số ý kiến cho rằng định mức kinh tế - kỹ thuật (KT-KT) để tính giá chưa sát thực tế, chủ yếu dựa trên kết quả khảo sát của các BV tuyến trên. Về điều này, ông Nguyễn Nam Liên giải thích, các định mức KT-KT đã được khảo sát, xây dựng, thẩm định và ban hành để tính giá là phù hợp với đại đa số BV. Bởi dựa trên kết quả khảo sát tại khoảng 30 BV, cùng tổng hợp bảo cáo của 4 BV hạng đặc biệt, 56 BV hạng I, 140 BV hạng 2, hơn 250 BV hạng 3, do đó, việc cho rằng số liệu chỉ căn cứ vào BV tuyến trung ương là chưa chính xác.

Bộ Y tế giải thích nhiều vấn đề xung quanh Thông tư chuẩn bị có hiệu lực.

Giá khám bệnh hiện đã xây dựng 6 loại định mức KT-KT cho 6 hạng BV, còn giá ngày giường bệnh đã xây dựng 41 loại định mức theo 5 hạng BV và trạm y tế xã. Riêng các dịch vụ kỹ thuật, để khuyến khích các BV tuyến dưới thực hiện các dịch vụ để người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên mới được thực hiện, Liên bộ đã thống nhất mức giá của các BV là như nhau.

Về giá các loại vật tư, hóa chất để tính giá dịch vụ, đại diện Bộ Y tế cho biết đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các BV, cả trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương; không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định. Như vậy, ý kiến cho rằng có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng (BHXH đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này); các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn như thông tin báo nêu đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Các cơ sở KCB có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. 

Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các BV tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời nếu nguồn thu không bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên thì đơn vị được ngân sách bảo đảm theo phân cấp quản lý. Đương nhiên người bệnh sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá dịch vụ y tế.

Giảm giá dịch vụ, các BV phải tiếp tục nâng cao chất lượng.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và tăng khả năng cân đối quỹ BHYT. Đó là tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, để làm tốt công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý, theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, phát hiện sớm bệnh tật để giảm tỷ lệ mắc chi phí điều trị cho người dân nói chung và quỹ BHYT, tránh lãng phí xã hội. 

Các cơ sở có số lượt khám bệnh tăng thì phải tăng số bàn khám, tăng nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sỹ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh.

Ngoài ra, cần tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định, tăng cường công tác chăm sóc, chống nhiễm khuẩn để giảm số ngày điều trị nội trú.

Các BV thường xuyên quá tải phải báo cáo UBND cấp tỉnh giao tăng giường bệnh, số lượng người làm việc; chuyển người bệnh sang các cơ sở y tế khác. Nếu quá khả năng chuyên môn phải chuyển tuyến trên, nếu đỡ phải chuyển tuyến dưới theo dõi, điều trị, hoặc chuyển các cơ sở khác chưa sử dụng hết công suất. Chỉ trong các trường hợp thực sự quá tải mới được kê thêm giường để không nằm ghép.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV phải dành 3-5% số thu tiền ngày giường, tiền khám bệnh để đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, bàn, ghế, giường, tủ cho các phòng khám, các phòng điều trị…Tiếp tục thực hiện các dự án BV vệ tinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; một số BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh phải cử cán bộ xuông BV huyện, trạm y tế xã định kỳ 1-2 ngày/tuần để KCB, đào tạo, giúp tuyến dưới nâng cao trình độ, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam cung cấp tình hình các cơ sở y tế có dấu hiệu chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết, để phối hợp chấn chỉnh và xử lý vi phạm.

Thanh Hằng
.
.
.