Giải cứu các nạn nhân ngộ độc chì ở Hưng Yên

Chủ Nhật, 17/05/2015, 09:40
Hơn 40 hộ sẽ được di dời sang 21 ha đất mà tỉnh đã qui hoạch, cùng với các phương án xử lý nước, đất, chất thải rắn cụ thể. Sau đó, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân tẩy độc chì và xử lý môi trường.

Sau khi Bộ Y tế trực tiếp làm việc với chính quyền tỉnh Hưng Yên để tìm giải pháp cho vấn đề nhiễm độc chì của người dân làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên), ngày 16 và 17/5, đoàn cán bộ của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã về khám và xét nghiệm chì miễn phí cho khoảng 400 người dân, trong đó có cả trẻ em. Hoạt động này nhằm đánh giá mức độ nhiễm độc chì, làm căn cứ để Bộ Y tế và tỉnh Hưng Yên đưa ra kế hoạch tẩy độc chì cho người dân. 

Từ vài năm trước, các nghiên cứu của ngành Y tế đã cho thấy, tỉ lệ người dân ở làng nghề Đông Mai bị nhiễm độc chì rất cao, trong đó, nhiều người bị nhiễm nặng. Nguyên do là gần 30 năm qua, người dân ở đây chủ yếu làm nghề thu gom các bình ắc-qui để tái chế, bán lại cho các nhà máy sản xuất ắc-quy, làm mạ kẽm.

Năm 2012, kết quả xét nghiệm sàng lọc 109 trẻ nhỏ ở làng Đông Mai của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, đã cho thấy, 97% trẻ em đều bị nhiễm chì trong máu, nhiều trẻ có lượng chì trong máu cao gấp 6-7 lần cho phép, cần được thải độc, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trẻ 2-3 tuổi, dù gia đình không làm nghề thu gom, tái chế chì nhưng cũng có hàm lượng chì trong máu rất cao, cho thấy môi trường ở đây bị ô nhiễm, với mức độ ngày càng trầm trọng. Kết quả xét nghiệm gần đây cũng cho thấy, có nơi ở làng Đông Mai bị nhiễm chì ở mức gấp 1.000 lần cho phép, trong khi vẫn đang còn khoảng  1.000 tấn rác thải cần được xử lý gấp.

Ngộ độc chì dễ khiến trẻ mắc nhiều bệnh.

Ngộ độc chì rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo PGS.TS. Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bạch Mai, người đã từng tiến hành thải chì cho một số trẻ ở làng Đông Mai, cho biết: Trẻ bị nhiễm độc chì thường có những bất thường về thể lực và trí tuệ, gây thiếu máu, rối loạn ý thức, chậm phát triển chiều cao, viêm gan. Nếu bị nặng, có thể bị liệt cơ, thiếu máu, co giật và hôn mê. Khi đã nhiễm, chì tồn tại rất lâu dài, thậm chí suốt đời, nên thải độc chì cũng đòi hỏi nhiều thời gian, đặc biệt là với trẻ nhỏ, vì mức hấp thụ chì ở trẻ em cao và lâu hơn ở người lớn.

Thế nhưng, việc tẩy độc chì cho trẻ gặp nhiều khó khăn, do chi phí để tẩy độc chì khá cao, khoảng 240 triệu đồng/ca với gần 20 lần điều trị trong 2 năm liền. Chỉ riêng xét nghiệm kiểm tra độc chì đã phải chi phí khoảng 10 triệu đồng/người, nên việc vận động các gia đình đưa trẻ đi xét nghiệm và tẩy độc chì rất khó khăn.

Bên cạnh đó, do chưa nhìn thấy hậu quả từ việc trẻ nhiễm độc chì, nhiều người vẫn cho rằng, trẻ chỉ bị phơi nhiễm chì, chưa phát bệnh, nên trì hoãn chữa trị, hoặc nhiều bệnh nhi đã bỏ dở điều trị. Trong khi đó, theo các bác sĩ của Trung tâm chống độc, nếu chỉ điều trị một vài tuần, sẽ không thể thải được nồng độ chì trong cơ thể. Mà càng để lâu, càng nguy hại cho sức khỏe.

Sau khi Bộ Y tế làm việc với tỉnh Hưng Yên, một số giải pháp đã được đưa ra. Theo Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, hiện một số thuốc thải độc chì vẫn có trong danh mục cho phép của bảo hiểm y tế (BHYT), nên Bộ Y tế sẽ bổ sung thuốc vào danh mục do BHYT chi trả. Viện đề xuất với Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế cử người xuống tận địa phương điều trị thải độc chì cho người dân, để giải quyết vấn đề đi lại, chi phí tốn kém cho người dân. Sau khi khám, xét nghiệm ngày 16 và 17-5, sẽ đưa ra giải pháp thải độc chì cụ thể với từng trường hợp.

Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cũng đã được tỉnh Hưng Yên đưa ra. Ông Trần Đăng Anh, Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, cho biết: Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đã lập dự án để có giải pháp xử lý đất, nước, chất thải rắn. Từ nay đến hết năm 2015, sẽ di dời toàn bộ cơ sở tái chế chì đến nơi quy hoạch. Thay lớp đất mặt ở những nơi bị ô nhiễm, cô lập 100 tấn đất có hàm lượng chì cao trong những bể chứa. Hơn 40 hộ sẽ được di dời sang 21 ha đất mà tỉnh đã qui hoạch, cùng với các phương án xử lý nước, đất, chất thải rắn cụ thể. Sau đó, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân tẩy độc chì và xử lý môi trường.

Trước mắt, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên đang phối hợp với Trung tâm Chống độc Bạch Mai để giải độc chì cho 33 trẻ bị nhiễm nặng. Nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí, do đó, theo bà Nguyễn Thị Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên, các nhân viên y tế địa phương tiếp tục vận động người dân xét nghiệm và giải độc chì, với việc hỗ trợ kinh phí xét nghiệm, cũng như tạo mọi điều kiện về thủ tục.

TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, cho biết: Điều trị thải độc chì hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng sẽ không bền vững nếu môi trường xung quanh không được cải thiện. Sau khi thải độc xong, nếu trẻ lại sống ở môi trường ô nhiễm, sẽ tiếp tục tái nhiễm. Vì thế, giải pháp trước mắt cần phải tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, mà cụ thể là không nên mang về nhà những vật dụng, quần áo ở nơi sản xuất, tái chế chì, càng không để gần nơi có trẻ nhỏ, để giảm nguồn ô nhiễm. Ngành Y tế địa phương cũng cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, khi có triệu chứng bị nhiễm độc chì thì đưa đi khám.

Một trong những nguồn lây nhiễm độc chì, chính là những vỏ bình ắc quy mà nhiều gia đình sử dụng làm bậc lên xuống ở cửa, hay để trong vườn, ngoài đường vv…

Dạ Miên
.
.
.