Gặp những bác sĩ chi viện cho tâm dịch COVID-19

Thứ Sáu, 30/04/2021, 11:27
Họ là những bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã xung phong chi viện vào tâm dịch Hải Dương, Đà Nẵng, những ổ dịch nóng và lớn nhất của cả nước.

Có những ngày chỉ ngủ 3 tiếng, có những ca cấp cứu xuyên đêm, có những khoảnh khắc mệt mỏi mà chỉ những người chiến đấu trong tâm dịch mới thấu hiểu, song mỗi khi cứu sống bệnh nhân nặng từ cõi chết trở về, niềm hạnh phúc đã xua tan mọi mệt nhọc, niềm tin và hy vọng chiến thắng dịch COVID-19 cũng mạnh mẽ bùng cháy.

Hai lần dấn thân vào tâm dịch

Sáng thứ 2 (29/3) là ngày trở lại làm việc đầu tiên tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai của Ths.BS Vương Xuân Toàn sau 14 ngày cách ly và sau hơn 1 tháng bác sĩ trẻ này đi chi viện cho tâm dịch Hải Dương. 

Chiều cùng ngày, anh đã dành cho phóng viên Báo CAND một buổi trò chuyện. BS Toàn sinh ra và lớn lên ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, anh về công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. 

Tháng 8 năm ngoái, anh xung phong vào tâm dịch Đà Nẵng, điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang. Anh đã không giấu nổi xúc động bởi những kỷ niệm trong hơn 1 tháng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương, với anh đó là những hồi ức không bao giờ quên trong cuộc đời nghề y của mình.

Nhớ lại thời điểm đó, BS Toàn kể: “Tối 6/2, tôi nhận được tin nhắn của lãnh đạo Khoa “Toàn đi Hải Dương nhé”. Tôi lên đường ngay, mang theo 1 máy thở oxy lưu lượng cao. Tới nơi, có bệnh nhân đã được chuyển từ khu Nội lên Khoa Hồi sức tích cực (ICU) – nơi điều trị bệnh nhân nặng, không kịp nghỉ ngơi, tôi bắt tay ngay vào đánh giá tình trạng của bệnh nhân và quyết định cho người bệnh thở máy. “Vật lộn” tới 3h sáng mới xong, tôi chỉ kịp chợp mắt 3 tiếng, hôm sau tiến hành hội chẩn Tiểu ban Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng toàn quốc về ca bệnh này”.

Những ngày tiếp theo, bệnh nhân nhập viện dồn dập, số lượng đông, những bệnh nhân bị tổn thương phổi lên tới trên 200 người, trong đó có nhiều ca chuyển nặng rất nhanh. Chỉ nhìn thấy số liệu đó thôi cũng đủ hình dung công việc vất vả đến thế nào khi anh Toàn là một trong những bác sĩ hồi sức duy nhất của Bệnh viện Dã chiến số 2.

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai có mặt trong nhiều điểm nóng dịch COVID-19.

Hơn 1 tháng đương đầu với các ca bệnh nặng, BS Toàn đã cùng các đồng nghiệp cứu sống nhiều người mắc COVID-19 nguy kịch. “Đó là thời gian căng thẳng và cân não. Những bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng đều có bệnh nền, khi mắc COVID-19 giống như giọt nước tràn ly. Bệnh nhân tử vong tôi chạnh lòng, buồn bã vì bao nhiêu công sức của các thầy thuốc bỏ ra nhưng vẫn không cứu được họ. Ở Hải Dương thì việc cứu chữa bệnh nhân thành công nên tôi mừng lắm. Lúc bệnh nhân nặng nhất đặt nội khí quản, khi rút được khí quản ra, hôm sau bệnh nhân nói được “cảm ơn” bác sĩ, lúc đó chúng tôi rất cảm động. Đến bây giờ có nhiều bệnh nhân vẫn gọi điện, nhắn tin, mời bác sĩ khi nào Hải Dương hết dịch về nhà họ chơi. Thư cảm ơn của bệnh nhân gửi cho cá nhân tôi cũng có, gửi cho bệnh viện cũng có…Tất cả đều bày tỏ niềm xúc động chân thành, cảm ơn sâu sắc tới các bác sĩ đã cứu họ trở về từ cõi chết”, BS Toàn không giấu được niềm xúc động kể lại.  

Trong những ca bệnh nặng nhất, bác sĩ Toàn đặc biệt ấn tượng với bệnh nhân N.V.T, 38 tuổi, là công nhân nhà máy POYUN, anh đã lây COVID-19 cho cả gia đình bên vợ. Bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh, khi chuyển đến đã trong tình trạng suy hô hấp nặng, ngay lập tức được thở máy oxy lưu lượng cao, lọc máu liên tục, điều trị các thuốc kháng virus, thuốc chống đông đặc hiệu. 

“3 ngày sau thở máy bệnh nhân đáp ứng rất tốt. Đây là trường hợp bình phục rất ngoạn mục, chỉ 5 ngày sau bệnh nhân đã âm tính và sau 7 ngày phổi gần như bình thường và đây là ca bệnh ra viện gần như sớm nhất”, BS Toàn vui vẻ kể lại.

Bác sĩ trẻ 9X cho biết, các anh rất may mắn vì không phải đơn độc chiến đấu, mà bên cạnh còn có các thầy trong Hội đồng hội chẩn quốc gia luôn đồng hành tháo gỡ chuyên môn cho họ lúc gặp ca bệnh khó. Ở ổ dịch Hải Dương, bác sĩ Vương Xuân Toàn cảm thấy tự hào khi mình đã đóng góp một phần công sức trong cuộc chống dịch COVID-19, giúp quê hương sớm trở về trạng thái bình thường. 

“Ngày đầu tiên xuống Hải Dương, các thầy gọi điện dặn chúng tôi phải cố gắng dốc hết tâm hết sức, Bạch Mai làm được những kỹ thuật gì thì ở đây phải làm được cái đó và không để bệnh nhân nào tử vong. Chúng tôi rất mừng là đã hoàn thành được mong đợi ấy”, BS Vương Xuân Toàn bộc bạch.

Bệnh nhân nặng nhất tập đi lại sau khi rút ống thở.

Kinh nghiệm điều trị trong bệnh viện dã chiến

Là người có mặt tại tâm dịch Đà Nẵng, Gia Lai, Điện Biên, Hải Dương, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với chúng tôi rằng, COVID-19 là một trang lịch sử đặc biệt của ngành y. 

Cũng từ cuộc chiến COVID-19, đội ngũ thầy thuốc mới thấm thía hai chữ “tình người”, mới thấy hết được sự bao bọc, chia sẻ với nhau trong những ngày chống dịch. Khi xảy ra cuộc chiến COVID-19, tinh thần nhân văn của con người mới thể hiện rõ nét, đặc biệt trong đợt dịch tại Đà Nẵng. Có bệnh viện sẵn sàng hy sinh để trở thành bệnh viện tiếp đón bệnh nhân COVID-19.

Khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang đóng tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. TS.BS Đỗ Ngọc Sơn cùng các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai về hồi sức cấp cứu, hô hấp, thận nhân tạo… vào Đà Nẵng bắt tay ngay vào công tác điều trị, thiết lập bệnh viện dã chiến. Những kinh nghiệm và bài học khi Bạch Mai phải tạm đóng cửa đã được phát huy và vận dụng sáng tạo vào đợt dịch này.

BS Vương Xuân Toàn vui mừng khi một trong những bệnh nhân nặng nhất đã hồi phục và tập đi lại.

Khi xây dựng Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, các anh gặp áp lực rất lớn, đó là trong 7 ngày phải xong, nhưng ngày thứ 5 đã có bệnh nhân vào điều trị. Trung tâm Y tế Hòa Vang trước đó chỉ điều trị những bệnh thông thường, nay phải đặt nội khí quản, thở máy, điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân suy hô hấp như một bệnh viện tuyến trung ương, anh em rất hoang mang. 

Nhiệm vụ của các chuyên gia là trong một tuần phải xây dựng được đội ngũ y tế Hòa Vang và đội tình nguyện viên để đưa bệnh viện vận hành. “Đây là điều rất khó, đến mức điều dưỡng trưởng sốc, khóc và rất lo lắng khi bệnh nhân dồn dập đến, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế dương tính. Đó là những ngày rất khó khăn với chúng tôi. Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng, truyền cảm hứng cho các bác sĩ. Bạch Mai cử các chuyên gia tâm lý vào giảng bài, trấn an tinh thần cho anh em. Nhìn thấy các chuyên gia không chỉ giảng dạy mà còn xắn tay vào làm trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ y bác sĩ trong đó đã xốc lại tinh thần, tạo được sự gắn kết, cùng nhau bắt tay vào công việc, dần dần trở nên nhuần nhuyễn, bài bản”, BS Sơn kể lại.

Từng là bác sĩ có mặt trong đại dịch SARS năm 2002, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn so sánh: Dịch COVID-19 ở Đà Nẵng và SARS khác nhau, do đã biết cách thức lây truyền của COVID-19 và cách thức phòng bệnh nên khi anh em vào hỗ trợ Đà Nẵng, các bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân suốt cả chiến dịch nhưng chưa ai bị lây nhiễm. Tại tâm dịch Hải Dương cũng vậy. Vì thế, anh em cứ nhận nhiệm vụ là lên đường, có người còn xung phong vào tâm dịch.

Những bệnh viện dã chiến mà Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ thiết lập đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, điều trị cho hơn một nghìn bệnh nhân COVID-19, trong đó có nhiều ca bệnh nguy kịch. 

Ở trận chiến Đà Nẵng, chỉ 2 tiếng trong Phòng Hồi sức, mồ hôi đã chảy ròng ròng, nhưng một ca điều trị trực chiến phải 8 tiếng mới kết thúc. Nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, họ sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần, khi người bệnh đang chờ đợi họ ở phía trước.

Trần Hằng
.
.
.