Gần 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế
- Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phát huy vai trò của y tế cơ sở
- Khảo sát công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, việc thực hiện chế độ BHYT trên cả nước đã bao phủ gần 90% dân số.
Tỷ lệ tham gia BHYT tăng cao
Một trong những tỉnh làm tốt công tác BHYT trong tình hình mới theo Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư là Tiền Giang. Trong 10 năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng của tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia BHYT.
Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện từng thời điểm đều được triển khai theo định kỳ. Các cơ quan chức năng luôn chủ động phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHYT tại các doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38, nhiều chế độ, chính sách về BHYT đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng có lợi cho các đối tượng tham gia, góp phần thu hút người dân tham gia ngày càng nhiều. Nếu như năm 2009, Tiền Giang chỉ có 646.783 người tham gia BHYT, đạt 39% dân số có thẻ BHYT, thì đến năm 2018 có 1.470.696 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 83,0% so với số dân của tỉnh, vượt 1,7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2009 đến nay, Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chính sách BHYT, hàng năm giao chỉ tiêu bao phủ BHYT đến các huyện, thành phố, thị xã; đồng thời đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các quyết định hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh từ nguồn ngân sách của địa phương; hỗ trợ thêm 30% - 70% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người cận nghèo, mua thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên, cho các hộ nông, ngư nghiệp có mức sống trung bình; các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp trong chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng tăng cao. |
Hướng tới bao phủ toàn dân
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, kết quả đạt được thật khả quan. Theo Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, năm 2009, khi Luật BHYT có hiệu lực, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 45% và đến tháng 6-2019 đạt 89,6%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 (năm 2019 Thủ tướng giao 88,1%).
Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.
Như vậy, hiện nay còn gần 11% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT. Nhóm chưa tham gia chủ yếu là đối tượng thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong một số doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.
Một trong những lý do tỷ lệ tham gia BHYT gia tăng nhanh, vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao có liên quan đến chính sách và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền vận động có hiệu quả, chất lượng KCB BHYT, sự hài lòng của người bệnh ngày càng tăng, người dân đã tin tưởng vào chính sách BHYT...
Theo Bộ Y tế, qua 10 năm, nhìn chung, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi, nhất là từ năm 2015, đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi, và từ năm 2016 người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến (thông tuyến huyện).
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hàng loạt biện pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh. Đổi mới về mặt quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm; đổi mới về quản lý, đổi mới về cách làm và đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá bệnh viện hàng năm. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để người dân tích cực tham gia BHYT.