(Sốc) Gần 8 triệu người Việt mắc bệnh viêm gan nhưng đến viện muộn

Thứ Năm, 04/07/2019, 06:50
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện Việt Nam có gần 8 triệu người mắc bệnh viêm gan, nhu cầu điều trị là rất lớn.

Tuy nhiên nhiều người lại không biết mình mắc bệnh, chỉ đến khi có biểu hiện vàng mắt, vàng da, bụng trướng... mới đi khám thì đã muộn, bệnh chuyển sang sơ gan và ung thư gan. Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ phát động Tháng hành động hưởng ứng ngày Viêm gan thế giới 2019 và Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Vì lá gan khỏe” được tổ chức tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 2-7.

Bệnh tăng nhanh, ý thức vẫn kém

Có mặt tại Khoa viêm gan, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở II ở xã Kim Chung, Đông Anh (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến các phòng điều trị đều kín bệnh nhân, chủ yếu người bệnh đã chuyển sang xơ gan và ung thư gan. 

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: “Trung bình một tháng có khoảng 9.000 người đến cả 2 cơ sở của bệnh viện khám vì viêm gan, trong đó có khoảng 250 người bệnh nặng phải nhập viện điều trị”. 

Nằm điều trị tại bệnh viện được 15 ngày, bệnh nhân Nguyễn Văn Chất (44 tuổi) có nước da vàng au đang được bác sĩ thăm khám. Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, anh Chất cho biết: “Tôi không hề hay biết mình bị viêm gan, cách đây hơn 1 năm tôi thấy mệt mỏi, chán ăn, da vàng, bụng trướng, đi khám mới biết mình bị viêm gan B đã chuyển sang giai đoạn xơ gan”. 

Anh Chất vài lần phải nhập viện điều trị và lần này men gan tăng cao, mệt mỏi kéo dài, vào khám bác sĩ yêu cầu anh phải điều trị ngay. Theo chia sẻ của anh Chất, anh uống rượu từ ngày còn là thanh niên, đến nay vẫn uống. “Bữa ăn nào tôi cũng uống, nhưng không nhiều”- anh Chất nói. Tình trạng của anh Chất đã ở “giai đoạn báo động” vì trong gan có nhiều sẹo, mức độ tổn hại lớn.

Mắc viêm gan B 10 năm, gần đây anh Đinh Văn A (35 tuổi) thấy bụng chướng, vàng da, vàng mắt, tới viện khám bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay vì bệnh của anh đã chuyển sang xơ gan nặng, nguy cơ ung thư gan là rất cao. Anh A thừa nhận vẫn thường xuyên uống rượu, bia, ngay cả khi bệnh nặng vẫn ăn nhậu với bạn bè.

GS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm gan là bệnh lý thường gặp tại Việt Nam do nguyên nhân phổ biến gây xơ gan là viêm gan virus B, viêm gan virus C và uống nhiều rượu. Ngoài ra, có thể gặp các nguyên nhân khác gây xơ gan như: gan nhiễm mỡ (thường gặp ở người bệnh tiểu đường hoặc thừa cân), nguyên nhân do di truyền, do chất độc (thuốc, thực phẩm chức năng…), viêm gan tự nhiên…

Theo TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, thống kê trên toàn thế giới mỗi năm có 1,4 triệu người tử vong vì xơ gan, ung thư gan. Tại Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, có gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, đưa Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu, đứng thứ 2 Châu Á vì tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm gan.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang khám và điều trị cho bệnh nhân viêm gan virus.

Phần lớn phát hiện muộn, chuyển sang xơ và ung thư gan

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nhu cầu được chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan ở nước ta rất lớn, nhưng qua thống kế, tỷ lệ đến viện rất thấp, điều kiện người dân nghi mắc bệnh đi xét nghiệm không cao, đặc biệt ở vùng nông thôn. Hiện, số tiếp cận xét nghiệm chỉ bằng 1/10 số người mắc và số tiếp cận được điều trị chỉ bằng 1/10 số đi xét nghiệm. 

Nhận thức của người dân về bệnh viêm gan còn thấp, ít biết về bệnh, dẫn tới bệnh âm thầm diễn biến trong thời gian dài, khi hậu quả xảy ra là xơ gan và ung thư gan mới tới viện, bác sĩ cũng không can thiệp được nhiều nữa. 

Viêm gan là bệnh mạn tính dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Nhưng hầu hết các trường hợp viêm gan lại không được phát hiện kịp thời. GS Kính cho biết, các bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám đa phần đều muộn, bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan.

Theo TS. Kidong Park, ước tính có 40.000 người tử vong do viêm gan B và C ở Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, viêm gan virus có thể phòng được. Thế giới đang dồn sức phòng chống viêm gan, phát hiện sớm và chữa sớm bệnh với mục tiêu đến năm 2030 thanh toán viêm gan virus trên toàn cầu. Hiện nay sự ra đời của nhiều thuốc mới đã giúp chữa khỏi viêm gan C, ngăn chặn bệnh này không trở thành nguồn lây nhiễm dù chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C. 

Với viêm gan B có các thuốc điều trị định hướng tế bào bệnh, không ảnh hưởng đến tế bào lành, giảm tải lượng virus gây bệnh. Tuy nhiên, tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ em ở Việt Nam tỷ lệ bao phủ năm 2018 vẫn còn dưới 10%, kể cả liều 24h sau sinh. Do vậy, theo ông Kidong Park cần phải “làm đầy” khoảng trống để tiến tới mục tiêu loại trừ viêm gan vào năm 2030.

Chia sẻ về vấn đề này, GS Kính cho biết, Việt Nam đã triển khai vaccine phòng bệnh viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1987, giúp giảm tỉ lệ viêm gan B dưới 5 tuổi xuống dưới 5%. 

Tuy nhiên thời gian gần đây, phong trào anti vaccine rộ lên khiến một bộ phận người dân "quay lưng" với vaccine, trong đó có vaccine phòng bệnh viêm gan B, khiến tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B giảm xuống. Đây là điều rất đáng lo ngại, song nhờ có nỗ lực của ngành y tế, việc tăng cường truyền thông sức khỏe về vấn đề tiêm chủng nên tỉ lệ tiêm vaccine viêm gan B đã tăng trở lại trên 90%, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỉ lệ viêm gan B dưới 5 tuổi xuống 1%.

Theo GS Kính, sở dĩ bệnh nhân đến cơ sở y tế chăm sóc và điều trị viêm gan vẫn rất thấp do người dân chưa có đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh này không có triệu chứng rõ ràng mà thường diễn biến âm thầm khó nhận biết. Người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, không phải chờ đến khi có biểu hiện vàng mắt, bụng trướng, vàng da mới vào viện thì đã muộn.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuyển giao kỹ thuật đưa chương trình phòng chống viêm gan B xuống cơ sở. “Bác sĩ có cố gắng bao nhiêu cũng không quan trọng bằng ý thức của người dân. Người dân phải khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc viêm gan B và C bằng xét nghiệm máu, không uống rượu… có thế việc phòng chống viêm gan mới đạt hiệu quả”- GS Kính nói. 

Còn theo ông Kindong Park, để phòng ngừa và loại trừ bệnh viêm gan virus vào năm 2030, Việt Nam cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa, ngoài công tác truyền thông cần đầu tư nhiều hơn, chất lượng hơn cho công tác an toàn truyền máu, tiêm an toàn…

Ngày 2-7, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ra mắt Câu lạc bộ “Vì lá gan khỏe” với mục tiêu truyền tải thông điệp đến mọi người trong việc phòng ngừa và điều trị viêm gan virus.

Từ 2-7 đến hết tháng 8-2019, Bệnh viện phối hợp với một số công ty sinh phẩm triển khai chiến dịch tiêm phòng miễn phí viêm gan B cho cộng đồng tại cơ sở 2 xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Trần Hằng
.
.
.