Gần 40 bệnh viện chính thức liên thông kết quả xét nghiệm

Thứ Ba, 01/08/2017, 21:10
Từ ngày 1-8, 38 bệnh viện (BV) tuyến trung ương chính thức liên thông kết quả xét nghiệm – tức là là cơ sở khám chữa bệnh (KCB) này công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở KCB khác trong trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng về thời gian và tình trạng người bệnh. 


Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp người bệnh tiết kiệm cả về tiền bạc lẫn thời gian, nhất là giảm bớt phiền hà, vất vả do phải thực hiện nhiều xét nghiệm khi đi KCB. 

Vì thế, đây là một chủ trương đúng đắn, vừa đảm bảo chất lượng KCB, vừa đảm bảo quyền lợi người bệnh trong bối cảnh nhiều BV và đơn vị xã hội hóa về trang thiết bị “bắt tay” để “rút ruột” bệnh nhân và bảo hiểm y tế bằng việc lạm dụng chỉ định xét nghiệm.

Tất nhiên, cũng cần nói là không phải 100% kết quả xét nghiệm đều được chấp nhận liên thông. Bởi có kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong thời gian rất ngắn, hoặc tình trạng bệnh nhân yêu cầu, như bệnh nhân đường máu phải làm xét nghiệm 4h/lần và bệnh nhân hồi sức, ghép tạng phải làm liên tục.

Theo ông Phạm Minh Thông-Phó Giám đốc BV Bạch Mai, khi đã liên thông kết quả xét nghiệm rồi thì cũng không phải cứ kết quả của tuyến dưới chuyển lên tuyến Trung ương là không cần làm lại, mà phải căn cứ vào thực tế của người bệnh để chỉ định làm xét nghiệm lại, hoặc sử dụng kết quả của BV tuyến dưới. Chỉ nên coi có việc lạm dụng là khi tuyến trên cho làm lại toàn bộ các xét nghiệm của tuyến dưới.

Tháng 7-2017, Bộ Y tế đã rà soát lại việc chỉ định xét nghiệm chẩn đoán để xác định tình trạng lạm dụng xét nghiệm và chấn chỉnh. Việc chỉ định xét nghiệm phải căn cứ từ thực tế điều trị, chứ không thể chỉ định xét nghiệm để đạt định mức khoán theo thỏa thuận của BV với các đơn vị đặt máy xét nghiệm.

Theo ông Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục quản lý KCB, đến nay đã có 50 phòng xét nghiệm thuộc gần 40 BV tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Bộ Y tế cũng đã xây dựng các tiêu chí 3 loại xét nghiệm: hóa sinh, huyết học và vi sinh (mỗi xét nghiệm có 20 - 30 chỉ số) thực hiện liên thông xét nghiệm. 

Đây là cơ sở để các BV công nhận và sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Khi xét nghiệm có độ tin cậy, không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí cho cả cơ sở y tế lẫn người dân.

Trước những băn khoăn của nhiều người về chất lượng các phòng xét nghiệm có tương đương để đảm bảo kết quả không bị “chênh” nhau, Bộ Y tế cho biết đã có 10 năm chuẩn bị cho việc liên thông trên quy mô toàn quốc. 

Để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm ở Viện Huyết học -Truyền máu (HH-TM) Trung ương, ông Phạm Tuấn Dương –Phó Viện trưởng Viện HH-TM Trung ương cho hay, từ 2009, Viện đã có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng xét nghiệm máu trên toàn quốc: xây dựng chương trình ngoại kiểm, sản xuất thử nghiệm các mẫu để cung cấp miễn phí cho các phòng xét nghiệm; tổ chức tập huấn về quản lý chất lượng HH-TM từ 2007 cho các khoa xét nghiệm- HH-TM. Vì thế, hiện đã có 6 phòng xét nghiệm HH-TM được công nhận ISO 15189 và 10 phòng xét nghiệm đạt  ISO 9001. 

Hiện Viện vẫn duy trì chương trình ngoại kiểm hàng năm, đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho các phòng xét nghiệm có các vấn đề về chất lượng.

Ông Phạm Tuấn Dương cho biết thêm, Viện đã bắt đầu triển khai chương trình ngoại kiểm xét nghiệm NAT trong sàng lọc máu an toàn cho các labo sàng lọc máu. Từ năm 2018, Viện sẽ triển khai chương trình đánh giá so sánh liên phòng xét nghiệm có sử dụng các hệ thống thiết bị xét nghiệm cùng loại trong xét nghiệm sàng lọc máu và xét nghiệm chẩn đoán huyết học.

BV Bạch Mai cũng đã làm tốt công tác chỉ đạo tuyến cho hệ thống BV vệ tinh ở các tỉnh, nên chất lượng xét nghiệm ở các BV này đã đạt chuẩn, đủ điều kiện liên thông.

Theo đánh giá của ông Lương Ngọc Khuê, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Ở các BV tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn, còn ở các BV tuyến dưới vẫn hạn chế. 

Có lẽ đó là lý do để Bộ Y tế chỉ cho phép 38 BV tuyến Trung ương liên thông từ 1-8-2017. Nhưng những gì tốt và chưa tốt giữa các BV sau một thời gian ngắn liên thông sẽ được tổng kết, để có giải pháp khắc phục hạn chế, làm cơ sở cho lộ trình thực hiện liên thông trên toàn quốc.

Thanh Hằng
.
.
.