GS Hoàng Thuỷ Nguyên: Người đầu tiên đưa công nghệ sản xuất vaccine về Việt Nam

Thứ Ba, 13/09/2016, 08:39
Ở tuổi 87, dù đi lại khá khó khăn nhưng GS Hoàng Thủy Nguyên vẫn giữ cốt cách của một trí thức Tây học với lối trò chuyện điềm đạm, nhẹ nhàng. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa do Viện hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam vừa trao cho ông ngày 11-9 là sự vinh danh cả cuộc đời làm khoa học bền bỉ không ngừng của ông.

Tại Việt Nam, trong các năm 1957-1959 đã xảy ra dịch bệnh bại liệt quy mô lớn, tỉ lệ mắc bệnh lên tới 126,4/100.000 dân. Trước tình hình cấp bách lúc đó, ông được Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cử sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine bại liệt dạng uống có tên gọi Sabin. 

Sau 3 tháng, ông trở về nước và thành lập nhóm các nhà khoa học để triển khai sản xuất vaccine tại Việt Nam. 

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cấp riêng cho ông khoản kinh phí 2.000 bảng Anh mỗi năm để nghiên cứu. Miệt mài làm việc trong khi cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, đến năm 1962, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, phòng thí nghiệm của ông đã sản xuất được 2 triệu liều vaccine Sabin bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận. 

Đã sản xuất được vaccine nhưng vấn đề tiếp theo lúc đó là làm sao để người dân tin tưởng sử dụng do nhiều người còn nghi ngờ về độ an toàn của vaccine được làm ra bởi các nhà khoa học Việt Nam. Để khẳng định vaccine Sabin an toàn, chính GS Hoàng Thuỷ Nguyên và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã là những người đầu tiên uống thử nghiệm.

GS. TSKH Hoàng Thuỷ Nguyên tại lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Đến năm 1980, vaccine Sabin đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ đó, tỉ lệ mắc, tử vong do bại liệt đã giảm xuống đáng kể và không còn xảy ra dịch. Năm 1997, dây chuyền công nghệ sản xuất vaccine này đã được tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến, nâng công suất lên tới 40 triệu liều/năm. 

Kể từ năm 1993, tỉ lệ uống vaccine Sabin trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc luôn đạt trên 90%. Trường hợp bại liệt cuối cùng được ghi nhận vào năm 1997. Đến năm 2000, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận thanh toán thành công bệnh bại liệt. Thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 5-2016, Việt Nam ngừng sử dụng vaccine Sabin 3 týp và chuyển sang vaccine Sabin 2 týp.

Kể lại hành trình dài sản xuất vaccine Sabin, GS Hoàng Thuỷ Nguyên nói: 

"Thành công này có công rất lớn của Bác Hồ. Lúc bấy giờ, dịch bại liệt gia tăng nhanh chóng, tử vong cũng rất nhanh. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số trẻ em mắc bệnh đã lên tới 6000 trẻ, tỉ lệ tử vong tới 13%. Bác Hồ lo lắng lắm. 

Khi biết Liên Xô đã thử nghiệm thành công vaccine bại liệt, Bác có nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng liên hệ với Liên Xô để đề nghị giúp Việt Nam đào tạo người có thể tự sản xuất vaccine bại liệt. 

Chính Bác Hồ là người có ý tưởng: Để có thể thanh toán được bại liệt thì Việt Nam phải tự sản xuất được vaccine bại liệt. Sau đó, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô đã đồng ý giúp Việt Nam đào tạo người. 

Kiên trì trong suốt 40 năm, đến năm 2000, Việt Nam đã loại bỏ thành công bệnh bại liệt. Trong khi đó, trên thế giới, phải đến năm 2018 mới có thể thanh toán được hoàn toàn".

Ngoài vaccine bại liệt, GS Hoàng Thuỷ Nguyên cùng các cộng sự cũng đã sản xuất thành công vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine viêm gan B dựa trên công nghệ tiên tiến nhất của Nga, Mỹ, Nhật. Các vaccine này đều được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp hàng triệu trẻ em phòng tránh được những dịch bệnh nguy hiểm, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng mỗi năm. 

Theo GS Hoàng Thủy Nguyên, trong vòng 3 năm tới, Việt Nam sẽ tạo ra vaccine kết hợp 4 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt. Sau đó, có thể Việt Nam sẽ làm được vaccine kết hợp 6 trong 1. 

"Ngày nay, việc sản xuất vaccine không còn như  trước đây, chúng ta đã tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất, đã có những cơ sở thí nghiệm hiện đại. Tôi cho rằng, chúng ta có đủ năng lực để tự sản xuất được vaccine, thanh toán được nhiều loại bệnh ở trẻ em tương đương các nước có trình độ tiên tiến" – GS Hoàng Thủy Nguyên bày tỏ.

Cả cuộc đời gắn bó với công việc sản xuất vaccine, ông lưu ý, mặc dù Việt Nam đã thanh toán thành công bệnh bại liệt, tuy nhiên, virus bại liệt hoang dại vẫn lưu hành ở một số nước Nam Á (Pakistan, Afghanistan), số nước xuất hiện virus bại liệt có nguồn gốc vaccine cũng gia tăng (Lào, Myanmar, Ukraine, Nigeria, Madagascar...) Do vậy, việc tiếp tục triển khai vaccine bại liệt dạng uống và dạng tiêm là hết sức cần thiết nhằm ngăn ngừa sự lây lan, xâm nhập của virus vào Việt Nam. 

GS Hoàng Thủy Nguyên sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức cách mạng. Ông là con trai của GS Hoàng Tích Trí (1903-1958), cố Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông được cấp bằng TS năm 1958, được công nhận GS y học năm 1980. Ông giữ chức Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từ năm 1974 đến 1994. 

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp y tế nước nhà, năm 2000, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ngoài ra, GS Hoàng Thuỷ Nguyên còn được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ…

Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vaccine phòng bệnh cho người” của GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên và GS.TSKH Đặng Đức Trạch là một trong hai công trình được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay.
Khánh Vy
.
.
.