Vụ 3 sản phụ tử vong và nguy kịch: Nghi ngờ từ lô thuốc gây tê

Thứ Tư, 20/11/2019, 18:26
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 2 phụ sản chết, 1 sản phụ nguy kịch khi sinh mổ tại bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Đáng nói, cả 3 sản phụ đều có chung triệu chứng gặp nạn trong khi tiến hành phẫu thuật bắt thai nhi và có điểm chung là tiêm thuốc tê mới Bupivacain WPW Spinal do bệnh viện này vừa đưa vào sử dụng…

Ngày 20/11, Bác sĩ Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Sở đã có văn bản đề nghị tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tạm dừng sử dụng loại thuốc gây tê do nghi ngờ có liên quan vụ 2 sản phụ chết, 1 sản phụ nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ nữ thành phố.

Cả 3 sản phụ đều có chung triệu chứng gặp nạn trong khi tiến hành phẫu thuật bắt thai nhi và có điểm chung là tiêm thuốc tê mới Bupivacain WPW Spinal do bệnh viện này vừa đưa vào sử dụng…

Sở Y tế niêm phong, lấy mẫu thuốc gây tê tại Bệnh viện Phụ nữ gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương

Cụ thể là thuốc Bupivacain WPW Spinal 5,5% Heavy, số lô 01DB0619 của Ba Lan sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI – Chi nhánh Đà Nẵng là nhà cung ứng. Bệnh viện Phụ nữ nhập lô thuốc này gồm 250 liều, đã sử dụng 130 liều, số còn lại hiện bị niêm phong để chờ kết quả xét nghiệm.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 8h ngày 17/11, bệnh nhân V.T.N.S (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện để chờ sinh. Thai phụ S lúc này đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối.

Đến khoảng 11h20, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi. Tuy nhiên, tới cuối ca mổ, bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và tử vong vào lúc 20h cùng ngày.

Cũng trong ngày 17/11, sản phụ N.T.H (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) nhập viện vào lúc 10h50 khi đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ.

Bệnh nhân được gây tê tủy sống nhưng sau đó có các biểu hiện tương tự sản phụ S như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, bệnh viện tiến hành mổ lấy thai nhi rồi chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực-chống độc trong tình trạng nguy kịch.

Liên quan đến vụ việc, ông Ngô Minh Tuấn, Trưởng Phòng nghiệp vụ dược (Sở Y tế Đà Nẵng) cho biết, theo ghi nhận của sở thì hiện có 3 đơn vị đang sử dụng loại thuốc này là Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.

Theo ông Tuấn, có 3 đơn vị đang sử dụng loại thuốc này nhưng chỉ xảy ra sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ nên mới chỉ nghi ngờ các trường hợp sản phụ chết và nguy kịch có liên quan đến thuốc chứ chưa thể khẳng định. Cũng theo ông Tuấn, đến nay Sở Y tế thành phố chưa nhận được bất cứ văn bản hay giấy tờ gì của Cục Quản lý Dược cảnh báo, khuyến cáo về loại thuốc này.

Sau khi xảy ra sự cố, Sở Y tế Đà Nẵng thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, mời các chuyên gia gây mê Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm nghiệm cùng các phòng chức năng của sở đến làm việc. Sở Y tế niêm phong, lấy mẫu thuốc gây tê tại Bệnh viện Phụ nữ gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, dự kiến cho kết quả trong 7-10 ngày tới.

Trước đó ngày 19/11, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, cũng xảy ra trường hợp tai biến y khoa dẫn đến tình trạng nguy kịch của mẹ và tử vong thai nhi đối với con sản phụ Hồ Thị M (có thai lần 3) khi đến sinh con tại BV Đa khoa huyện Quỳnh Lưu.

Bộ Y tế yêu cầu xác minh, báo cáo vụ tai biến sản khoa 

Để kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng kiểm tra, xác minh thông tin về nội dung trên và gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của BV Phụ nữ Đà Nẵng đối với sản phụ S và sản phụ H về Bộ Y tế. Đồng thời chỉ đạo BV Phụ nữ Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ và chăm sóc điều trị tốt nhất cho sản phụ H.

Bộ Y tế cũng yêu cầu BV Phụ nữ thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử lý trí đối với trường hợp sản phụ S và sản phụ H, thông báo kết quả của Hội đồng chuyên môn tới gia đình các sản phụ và cơ quan truyền thông đại chúng.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phụ vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định. 

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh thực hiện nghiêm túc công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29/8/2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.

Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn tại Quyết định số 1088/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, khẩn trương gửi về Trung tam DI và ADR Quốc gia (đồng gửi Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em)

Đối với trường hợp tai biến y khoa dẫn đến tình trạng nguy kịch của mẹ và tử vong thai nhi đối với con sản phụ Hồ Thị M (có thai lần 3) khi đến sinh con tại BV Đa khoa huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào ngày 19/11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nghệ An kiểm tra, xác minh và báo cáo nhanh quy trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của BV Đa khoa Quỳnh Lưu đối với sản phụ M về Bộ Y tế.

Trong công văn cũng yêu cầu BV Đa khoa Quỳnh Lưu thành lập Hội đồng chuyên môn đánh giá quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ M. Đồng thời, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có vi phạm.




Hoài Thu - Trần Hằng
.
.
.