Dùng huyết tương của người khỏi bệnh để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng
Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngày 10/4, cả nước có thêm 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có 144 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi.
Tại buổi Hội chẩn trực tuyến về điều trị các bệnh nhân COVID-19, trong đó có các bệnh nhân nặng với các điểm cầu ngày 10/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp, biện pháp trong điều trị bệnh COVID-19.
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. |
Đó là chiết tách huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị cho người bệnh nặng.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Huyết học TP Hồ Chí Minh và hệ thống các viện huyết học phối hợp cùng các cơ sở điều trị tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị cho người bệnh nặng theo phác đồ đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cùng với các phác đồ của nước bạn như Cuba, Nhật Bản, Pháp. Tiểu ban Điều trị cũng thường xuyên họp để cập nhật các phác đồ điều trị này.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xây dựng quy trình, hướng dẫn, chỉ định của phương pháp điều trị bằng huyết tương. Trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn chọn người cho máu để tách huyết tương và bệnh nhân được chỉ định điều trị, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phụ trách. Còn Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ tách chiết huyết tương theo yêu cầu. Mục đích là cố gắng cứu những bệnh nhân COVID-19 nặng, khi đã hết các phương án điều trị. Phía Bệnh viện và Viện Huyết học đang thảo luận vấn đề lấy máu, huyết tương, chỉ định…
Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh là phương pháp điều trị bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường nhưng virus trong cơ thể không giảm. Huyết tương của người khỏi bệnh, có chứa kháng thể chống virus, khi truyền vào cơ thể người bệnh, kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ bệnh nhân diệt virus. Phương pháp này ít biến chứng. Huyết tương được tách chiết sẽ là chế phẩm máu đặc biệt, cần có chỉ định đặc biệt.
Trong buổi hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, các bệnh nhân mắc COVID-19 mà có nhiều bệnh nền mãn tính thì sau khi đã điều trị cho kết quả âm tính với virus SARS- CoV-2 sẽ được chuyển về các bệnh viện tuyến chuyên khoa sâu có điều kiện hồi sức cấp cứu, điều trị chuyên khoa sâu thì tốt hơn… Theo PGS Khuê, đây là một chiến lược điều trị. Các bệnh viện đầu ngành, chuyên khoa sâu, các bác sỹ chuyên khoa giàu kinh nghiệm đang lập mạng lưới để thực hiện mục tiêu cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng cũng như bệnh nhân có bệnh lí nền khi hết giai đoạn điều trị trong các cơ sở y tế.