Dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thàn

Chủ Nhật, 31/07/2016, 17:25
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa. Trong những tuần gần đây, số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao, tập trung tại một số tỉnh, đặc biệt là ở 4 tỉnh  Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và TP Hồ Chí Minh.

 Đến ngày 31-7, chỉ riêng 4 tỉnh Tây Nguyên đã có gần 8.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 4 người đã tử vong. Gần 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đều phải tiếp nhận từ 50 -60 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Cũng chỉ từ trong tháng 7, Gia Lai đã có 130/222 xã, phường có bệnh nhân bị sốt xuất huyết.

Cục Y tế Dự phòng giải thích nguyên nhân số ca sốt xuất huyết tăng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, là do đang vào mùa mưa. Hiện tượng El nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường, là điều kiện cho muỗi phát sinh phát triển. El nino gây hạn hán trên diện rộng, làm cho các hộ gia đình tăng việc trữ nước tại các dụng cụ chứa nước, tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. 

Thêm vào đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành sốt xuất huyết phổ biến trong những năm qua, nên miễn dịch đối với sốt xuất huyết của cộng đồng ở mức thấp. Vì thế, khi xuất hiện dịch sẽ bị lây lan và bùng phát nhanh.

Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Qua kiểm tra thực tế tại khu vực này, rất nhiều hộ gia đình còn sử dụng dụng cụ, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, nhiều lốp xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật chứa nước đọng không được xử lý, nên muỗi vào đẻ trứng và lăng quăng/bọ gậy phát triển.

Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa và di biến động dân số khu vực Tây Nguyên gia tăng, mạng lưới y tế còn mỏng, chưa nhiều kinh nghiệm trong phòng chống sốt xuất huyết. Kinh phí chống dịch, đặc biệt phòng chống sốt xuất huyết của Trung ương từ đầu năm 2016 chưa được cấp, kinh phí các địa phương cũng rất hạn chế nên việc phòng, chống dịch gặp khó khăn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền và người dân chưa thật chủ động, tích cực trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Đã có nhiều bệnh nhi nhập viện vì sốt xuất huyết 

Ngành y tế cũng nhận định rằng, bệnh sốt xuất huyết ở Tây Nguyên tiếp tục có chiều hướng tăng nhanh trong thời gian tới, vì vậy công tác phòng, chống bệnh dịch cần được chú trọng.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện đang có nhiều khó khăn. Đó là chưa có vaccine phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, sự tham gia chủ động của từng người dân và của các ngành, nhất là sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp chính quyền trong việc đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống dịch hết sức quan trọng, để khống chế và kiểm soát bệnh dịch này tại các địa phương. 

Bên cạnh đó, trên thế giới, những tuần gần đây, bệnh sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp, trong đó, các nước láng giềng của Việt Nam là Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng không ngoại lệ, càng khiến cho việc phòng, chống dịch của Việt Nam thêm khó khăn.

Làm sạch môi trường là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng trong những tháng mùa mưa. Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND 10 tỉnh, thành phố có số mắc và tử vong cao cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương. Bộ Y tế cũng tiếp tục tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại 18 tỉnh trọng điểm.

Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý các dụng cụ chứa nước không đúng quy định, vỏ lốp xe công nông và các vật dụng phế thải chứa ổ bọ gậy nguồn; chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết”, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch, tăng cường các hoạt động truyền thông và sẵn sàng vật tư trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh.


Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột. Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể bị thoát huyết tương, tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau. 

Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn bị sốc với các biểu vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị tụt hoặc không đo được. Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. 

Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím

Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. 

Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

          Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, cần phải theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để có biện pháp xử trí phù hợp, nhất là những biến chứng trầm trọng xảy ra.

Thanh Hằng
.
.
.