Đẩy mạnh các giải pháp để thích ứng với già hóa dân số

Thứ Tư, 23/12/2020, 09:38
Hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam (26/12), Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bô Y tế đã tổ chức Hội thảo về Dân số và phát triển tại Hà Nội. Năm nay, Tháng hành động Quốc gia về Dân số có chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

Trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỉ lệ tăng dân số trong khoảng từ 1,05% – 1,15%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. 

Hội thảo có sự tham gia của nhiều cán bộ làm công tác dân số.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện ngành dân số vẫn đang đối mặt với các thách thức mới đang đặt ra, như mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên mức sinh còn rất cao; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Tốc độ già hóa dân số nhanh, theo thống kê của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, hiện khoảng 70% người cao tuổi hiện nay không có tích lũy vật chất; 62,3%, khó khăn, thiếu thốn; tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi cũng thường mang gánh nặng bệnh tật kép, với nhiều bệnh mạn tính, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung chưa thích ứng với già hóa dân số nhanh, mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ… Ông Sơn cũng nhấn mạnh: “Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Chưa nhiều chính sách tác động đến các lĩnh vực khác như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.....

Nâng cao chất lượng dân số để thích ứng với tình trạng già hóa mà nước ta đang phải đối mặt.

Chính vì vậy, thời gian tới, ngành dân số cần tiếp tục mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh chương trình tầm soát trước sinh, sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng…. góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030”.

Trần Hằng
.
.
.