ĐBSCL chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Thứ Tư, 26/07/2017, 09:47
Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến phức tạp. Riêng trong 15 ngày đầu tháng 7-2017, số ca SXH nhập viện điều trị được ghi nhận tại một số tỉnh, thành trong khu vực tăng 125% so với cùng thời điểm năm 2016.

SXH có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7 do thời tiết bắt đầu vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh tăng nhanh, số ca SXH theo đó cũng tăng nhanh so với các tháng trước. Riêng trong 10 ngày đầu tháng 7-2017, An Giang là địa phương có số ca SXH nhập viện điều trị tăng cao nhất vùng với trên 120 ca; tiếp đến là Sóc Trăng với 110 ca; Đồng Tháp 100 ca…

Khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết từ đầu năm 2017 đến nay đã tiếp nhận, điều trị cho 3.822 ca SXH (tăng trên 40% so với cùng kỳ), trong đó có 53 ca nặng (độ 3). Riêng Cần Thơ là gần 700 ca, số ca còn lại là các bệnh nhân đến từ các tỉnh ĐBSCL. Riêng 15 ngày đầu tháng 7-2017, Khoa SXH của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận, điều trị nội trú trên 200 ca SXH cho các bệnh nhân các tỉnh, thành trong vùng (tăng 125% so với cùng kỳ). 

BSCKII Bùi Hùng Việt thăm khám các bệnh nhi sốt xuất huyết, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ sáng 24-7.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã có 16 ca tử vong do SXH. Ở 3 địa phương trong vùng ĐBSCL đã ghi nhận có bệnh nhân tử vong do SXH là Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh. Tại Cần Thơ ghi nhận khoảng 700 ca SHX và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã phát hiện gần 800 ca mắc SXH, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao do bước vào mùa mưa. Ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có ca nhiễm bệnh SXH.

Ngành Y tế tỉnh Bến Tre dự báo, bệnh SXH có nguy cơ tăng cao trong thời gian sắp tới. Còn tại Cà Mau, trong những ngày này cuối tháng 6, đầu tháng 7-2017, trẻ nhập viện do bệnh SXH tại Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau ngày càng nhiều và tăng cao so với những tháng trước. Bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị nội trú gần 400 ca SXH, trong đó tháng 5-2017, số ca bệnh tăng ở mức 148%, còn tháng 6-2017, tăng đột biến đến 405% so với cùng kỳ năm 2016.

BSCKII Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Sở dĩ bệnh SXH có chiều hướng tăng mạnh từ đầu tháng 7 do thời tiết vào mùa mưa khiến muỗi truyền bệnh SXH tăng nhanh, số ca SXH theo đó cũng tăng nhanh so với các tháng trước. Trước đây bệnh SXH chỉ xảy ra vào mùa mưa, nhưng hiện tại bệnh SXH xảy ra quanh năm do biến đổi khí hậu và gần đây xảy ra những cơn mưa trái mùa khiến muỗi sinh sản nhanh làm bùng phát bệnh SXH”.

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp (như tuyên truyền, vận động diệt lăng quăng, phòng ngừa SXH…) nhưng bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Tại Đồng Tháp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 vào tháng 6 và đợt 3 vào tháng 8.

Tăng cường giám sát chặt chẽ số ca bệnh, giám sát mật độ côn trùng, lăng quăng; giám sát virus gây bệnh để dự báo sớm. Đồng thời, xử lý triệt để những ổ dịch tránh lây lan rộng; phun xịt hóa chất trên diện rộng để diệt muỗi. Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng đã tích cực giám sát chặt chẽ từng ca bệnh, tổ chức diệt lăng quăng, chủ động xử lý những nơi có mật độ côn trùng tăng cao...

Để phòng tránh bệnh SXH hiệu quả, biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần thực hiện theo nguyên tắc, không lăng quăng, bọ gậy, không muỗi, sẽ không có SXH. Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai, lọ.

Tránh muỗi đốt; từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày); mặc quần áo dài tay; không cho trẻ em chơi chỗ tối; dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, như: dây phơi, quần áo, chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi; không nên tự ý mua, hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi.

Đức Văn
.
.
.