Cục Quản lý Dược khuyến cáo không mua thuốc trị ung thư phổi trên mạng
- Bệnh viện K sẽ cung cấp thuốc điều trị ung thư phổi trong tuần tới
- Lần đầu tiên nội soi phế quản siêu âm chẩn đoán sớm ung thư phổi
- Bí quyết khuất phục căn bệnh ung thư phổi di căn của Phó giáo sư tim mạch
Trước đó, Cục Quản lý Dược phát hiện thời gian qua, trên các trang web Nhà thuốc Võ Lan Phương tại địa chỉ https://volanphuong.com/ và Nhà thuốc Lan Phương tại địa chỉ https://nhathuoclanphuong.net/ có giới thiệu và chào bán nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc điều trị ung thư, như: Osicent 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Incepta Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh; thuốc Osicent 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Everst - Bangladesh và Tagrix 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Beacon Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh.
Đây là 2 loại thuốc được quảng cáo rao bán trên mạng là điều trị bệnh ung thư phổi. Cục Quản lý Dược cho biết, các thuốc nêu trên chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, chưa được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc và quảng cáo thuốc.
Hiện nay, Cục Quản lý Dược đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, trong quá trình các cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua các thuốc điều trị ung thư nêu trên được chào bán và quảng cáo trên mạng, nhằm tránh những rủi ro, nguy hiểm cho sức khỏe.
Thuốc Osicent 80 được quảng cáo rao bán trên mạng chữa bệnh ung thư phổi. |
Thuốc Tagrix quảng cáo rao bán trên mạng điều trị ung thư phổi. |
Liên quan đến việc quảng cáo thuốc điều trị ung thư trên mạng, vào tháng 11-2019, Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra các hoạt động của các nhà thuốc. Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 28-10-2019, Sở Y tế nhận được Công văn số 18371/QLD-PCTTr của Cục Quản lý Dược về việc kiểm tra hoạt động của các nhà thuốc.
heo nội dung công văn, trên trang web Nhà thuốc Lan Phương (https://nhathuoclanphuong.net) có quảng cáo và chào bán một số loại thuốc điều trị ung thư có chứa hoạt chất Osimertinib chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc; chưa được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc/quảng cáo thuốc.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng y tế cùng các Phòng, Ban liên quan tiến hành kiểm tra nhà thuốc, quầy thuốc đặc biệt các nhà thuốc có trong trang web nêu trên trên địa bàn quản lý về việc kinh doanh thuốc, đặc biệt kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ thuốc, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm.
Theo BS Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), qua kiểm tra tại các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn Hoàn Kiếm chưa phát hiện cơ sở nào kinh doanh thuốc điều trị ung thư có chứa hoạt chất Osimertinib chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh của nhà thuốc Võ Lan Phương (địa chỉ 47 đường số 19, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức; website: https:/volanphuong.com) và nhà thuốc Lan Phương (địa chỉ 47B đường số 19, phường Hiệp Bình Chánh; website: https:/nhathuoclanphuong.net). Các nhà thuốc này đăng tải trên wesite kinh doanh các mặt hàng thuốc Osimert 80mg (Osimertinib), nhà sản xuất Everst - Bangladesh; thuốc Tagrix 80mg (Osimertinib), nhà sản xuất Beacon Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh.
Qua kiểm tra, xác minh tại 2 địa chỉ nêu trên, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện không tồn tại nhà thuốc Võ Lan Phương và nhà thuốc Lan Phương.
Việc quảng cáo rao bán tràn lan thuốc ung thư phổi trên mạng chưa được cấp phép lưu hành đã gây hiểu lầm cho người dân. Trên thực tế, khi kiểm tra tại 2 địa chỉ nhà thuốc rao bán trên mạng của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì đây là địa chỉ “ma”. Do vậy, người dân phải hết sức cảnh giác khi mua thuốc rao bán trên mạng, thuốc chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành. Điều quan trọng là người bệnh khi sử dụng thuốc phải theo kê đơn của bác sĩ.