Chuyên gia y khoa 'mổ xẻ' chuyện cắt thận câu view

Thứ Sáu, 01/01/2016, 21:50
Bức xúc trước thông tin sản phụ bị cắt thận, một vị bác sĩ đã vẽ hình ảnh vị trí quả thận cũng như đường mổ lấy thận để phân biệt với vị trí mổ đẻ kèm lời  “Đề nghị đừng câu view rẻ tiền” đưa lên facebook cá nhân.

Những ngày vừa qua, một số tờ báo đăng bài với những cái “tít” động trời về việc “mất thận” của một người phụ nữ ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nguyên do có tin trên là vào ngày 6-12-2015, người phụ nữ đi siêu âm tại phòng khám bệnh chuyên khoa sản Nội Hoàng (xã Yên Lương, huyện Ý Yên) và được bác sĩ kết luận chị thiếu mất thận phải ở ổ thận và nói có hai khả năng xảy đến, một là bị cắt mất, hai là thiếu bẩm sinh.

Để ghép hay lấy thận, cần nhiều chuyên gia của nhiều chuyên ngành với sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị y tế hiện đại.

Dù chưa khẳng định, nhưng bài báo ám chỉ việc “mất thận” xảy ra sau khi chị phụ nữ mổ đẻ vào năm 2006 ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên. Thông tin trên khiến nhiều người xôn xao, lo sợ và tạo áp lực lớn lên các bác sĩ ở địa phương.

Thông tin thất thiệt trên mạng xã hội về việc lấy nội tạng của người chết.

Nhưng, chỉ cần có chút kiến thức y học, thì nghe qua đã thấy đó là một chuyện rất hoang đường. Để có thể ghép tạng là một vấn đề vô cùng phức tạp, từ việc lấy tạng của người cho đến ghép tạng, đều phải là các chuyên gia phẫu thuật có tay nghề với điều kiện phòng mổ vô trùng tuyệt đối, cùng rất nhiều yếu tố liên quan như trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại, thuốc thang. Nếu không, có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Một bác sĩ bức xúc vẽ bức hình giúp tác giả viết về vụ ‘mất thận” hiểu được không thể có chuyện đó.

Trong trường hợp phải tạng mang đi nơi khác ghép, thì thực tế ca ghép tạng hồi đầu tháng 9-2015 đã cho thấy đó là một quá trình cực kỳ phức tạp: Để lấy được tạng, phải một ekip hơn chục bác sĩ đều là các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức bay vào TP. Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ sẵn sàng của các bác sĩ ngoại khoa ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Phẫu thuật lấy tạng xong, phải cho tạng vào các loại thiết bị y tế riêng, vô trùng tuyệt đối, có dung dịch và máy móc để tạng vẫn hoạt động được như trong môi trường cơ thể người.

Ngay sau khi lấy, các bác sĩ lại phải cấp tập bay ra Hà Nội ngay trong đêm để ghép đến sáng. Quá trình vận chuyển một quả tim và 2 quả thận từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội được bảo quản ngặt nghèo với sự tháp tùng của gần 20 bác sĩ và sự giúp đỡ tối đa của Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải để vận chuyển ra Hà Nội nhanh nhất, vì dù được bảo quản chặt chẽ thì quá 10 tiếng, tạng vẫn bị hỏng.

Đó là chưa kể, không phải tạng nào cũng ghép được với người khác. Có người cần ghép, nhưng khi có tạng chưa chắc đã ghép được, vì cần phải phù hợp về nhóm máu hoặc các chỉ số với tạng được nhận. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện chỉ có 14 đơn vị ghép tạng được, chứ không phải bệnh viện nào cũng có thể ghép tạng. Kỹ thuật lấy tạng cũng đòi hỏi sự phối hợp của các bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giữa phẫu thuật và gây mê-hồi sức, chứ đâu phải 1-2 bác sĩ mổ đẻ là có thể làm được!

Vì thế, đến giờ này, một đơn vị y tế tuyến huyện cũng không thể đủ cơ sở vật chất cũng như tay nghề bác sĩ để có thể phẫu thuật cắt thận, huống chi là gần 10 năm trước. Ông Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ý Yên cho biết “Bệnh viện tôi thời ấy một năm cũng ít mổ đẻ lắm, còn chưa đến 20 ca”, thì kỹ thuật này liệu có thể thực hiện nổi? Bên cạnh đó, việc mổ đẻ nằm ở vị trí phía bụng dưới, còn thận lại nằm ở phần trên, nên không thể mổ đẻ lại có thể cắt được thận. Đừng có tưởng tượng rằng, cứ nằm cùng trong ổ bụng, thì mổ đẻ là có thể “moi” luôn quả thận để cắt. Hơn nữa, cắt thận để làm gì?

Đặc biệt, một chuyên gia ghép tạng nổi tiếng của Bệnh viện Việt Đức cho biết, chỉ cần chụp cắt lớp là biết ngay thận có bị cắt hay không.

Cách đây chưa lâu, trên mạng xuất hiện một người kể rằng, gia đình người đó có người thân bị tai nạn giao thông. Khi nạn nhân vừa tắt thở, được đưa vào nhà xác thì cán bộ Công an và bác sĩ vào nghiên cứu pháp y rồi cắt hết nội tạng đem đi. mang theo thùng đựng đá (?) sau đó, khi bố nạn nhân vào thì thấy bác sĩ đang khâu bụng cho nạn nhân. Một thông tin không có địa chỉ, tên người cụ thể, chỉ nói là ở phía Nam, thế mà được một số facebooker có tiếng đưa lên với những hoài nghi đầy phẫn uất, như thể có sự thông đồng để lấy trộm tạng của người chết rồi cho vào thùng đá mang đi... bán!

Nếu như những người viết có tâm và chút kiến thức hiểu biết về y khoa, hay ít nhất, trước khi đặt bút, họ phải tham khảo ý kiến các chuyên gia ngoại khoa hoặc chuyên khoa ghép tạng trong những trường hợp như trên, chắc sẽ không xuất hiện những bài báo thiếu trách nhiệm gây nên xáo trộn xã hội không đáng có chỉ vì mục đích câu view rẻ tiền như những ngày qua. Đến mức, quá bức xúc trước thông tin này, một vị bác sĩ đã vẽ hình ảnh vị trí quả thận cũng như đường mổ lấy thận để phân biệt với vị trí mổ đẻ kèm lời  “Đề nghị đừng câu view rẻ tiền” đưa lên facebook cá nhân.

Thiết nghĩ, trong những trường hợp phản khoa học nhưng lại tác động đến xã hội như nêu trên, ngành y tế cần chính thức lên tiếng, không để những thông tin thất thiệt dần lan tỏa, đặc biệt trên mạng xã hội, gây nên những rối loạn không đáng có cho dân chúng, mà cũng là cho chính ngành y tế.

Thanh Hằng
.
.
.