Chuẩn bị đón 120 ca dương tính với COVID-19 từ Châu Phi về nước

Thứ Sáu, 24/07/2020, 11:27
Trên chuyến bay tới đây vào ngày 29/7 từ Guinea Xích đạo đưa 250 công nhân về nước, trong đó xác định 120 công nhân Việt Nam đã dương tính với COVID-19, rất nhiều khó đặt ra trên hành trình 15 giờ bay. Từ hôm nay 24/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu di chuyển hơn 200 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở II Đông Anh để tổ chức cách ly và điều trị cho 250 công nhân từ Châu Phi về.

Trưa 24/4, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ sáng nay 24/7, tại cơ sở II của Bệnh viện ở Đông Anh đang có hơn 200 bệnh nhân  cấp cứu và điều trị bắt đầu được chuyển về cơ sở 1, một số bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Đức Giang và Bệnh viện Đông Anh để dành toàn bộ cơ sở vật chất, giường bệnh đón 250 công nhân từ Guinea Xích đạo về cách ly và điều trị vào ngày 29/7 tới đây.

Theo BS Cấp, 250 công nhân về nước đợt này đã xác định được 120 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều người đang nằm điều trị tại bệnh viện ở Châu Phi và có thể có bệnh nhân nặng. Ngày 28/7, phi hành đoàn của Vietnam Airlines và 2 bác sĩ, 2 y tá của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ thực hiện chuyến bay “lịch sử” sang Guinea Xích đạo để đón 250 công nhân về nước.

Để thực hiện chuyến bay này, từ trước đó nhiều tuần, công tác chuẩn bị đã được tính toán kỹ lưỡng tới từng tình huống để làm sao đảm bảo an toàn cao nhất cho tất cả công nhân và phi hành đoàn, bác sĩ, nhân viên y tế. Theo BS Cấp, có rất nhiều khó khăn phải đối mặt khi thực hiện chuyến bay. Đó là  máy bay chỉ 300 chỗ mà có tới 120 bệnh nhân dương tính, nên môi trường lây nhiễm rất lớn. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn và công nhân không mắc COVID-19 là rất quan trọng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chuẩn bị cơ sở chật để đó đón 120 bệnh nhân dương tính từ Châu Phi về nước, 

Mặc dù trong máy bay có hệ thống điều áp, nhưng phân áp ô xi ở nhiệt độ cao giảm hơn so với mặt đất, vì vậy trong quá trình bay có thể có bệnh nhân bị suy hô hấp. “Diện tích máy bay nhỏ, thiết bị trên máy bay dân sự như nguồn điện thấp, bình oxi trên máy bay là loại riêng không phải bình oxi y tế bình thường; các loại thuốc sát trùng không được sử dụng loại dễ gây cháy, ăn mòn...nên khi có bệnh nhân suy hô hấp trên máy bay thì công tác cấp cứu khó khăn hơn nhiều so với ở mặt đất. Chính vì vậy, phương án sắp xếp các vị trí cấp cứu để đảm bảo an toàn phải tính toán hết sức kỹ lưỡng”, BS Cấp nói.

Theo Trưởng Khoa Cấp cứu, kế hoạch phải tính tất cả các phương án với phương châm những đối tượng nào không đảm bảo an toàn trên máy bay phải để lại, sau đó có máy bay chuyên dụng sang đón về sau. Thậm chí, đã phải nhờ một đồng chí là Phó giáo sư trường ĐH Bách Khoa thiết kế và chế tạo thiết bị lọc không khí, các màng chắn trên máy bay và lều áp lực dương để đảm bảo an toàn cao nhất. Đồng chí đó còn phải liên hệ với sân bay để đo đạc các thông số trên máy bay cho khớp. Quá trình này nhận được sự phối hợp rất nhiệt tình từ phía công ty hàng không.

Các kế hoạch trên đường đi theo BS Cấp cũng được tính toán hết sức chi tiết như sàng lọc bệnh nhân tại nơi tiếp nhận, chế độ ăn uống trên máy bay và phương án đón khi bệnh nhân trở về, phương án chẩn bị luồng đi, phòng ốc, giường bệnh...

Theo Trưởng Khoa Cấp cứu, ở chuyến bay đón công dân về nước lần này khác so với chuyến bay đón công dân ở Vũ Hán cách đây mấy tháng. “Chuyến bay từ Vũ Hán về công dân chưa dương tính, đường đi chỉ hết 4 tiếng nên có thể nhịn ăn, uống và vệ sinh. Nhưng chuyến đi này kéo dài 15 giờ, ăn uống và vệ sinh trên máy bay nên bắt buộc phải thiết kế lều áp lực dương. Lều này thường xuyên được bơm không khí sạch để tới giờ ăn mọi người vào tháo khẩu trang ăn cơm, uống nước đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên vì diện tích trên máy bay nên chiếc lều này thiết kế chỉ 1 người vào một”, BS Cấp cho biết.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp

Hơn nữa, theo BS Cấp, việc đảm bảo cách ly giữa người dương tính và không dương tính trên chặng đường 15 tiếng trong không gian nhỏ hẹp của máy bay là rất khó, vì vậy đã đề nghị hàng không làm vách ngăn giữa hai khu. Chuyến bay dự kiến sẽ từ Việt Nam đi vào ngày 28/7 và ngày 29/7 về nước, sau đó toàn bộ phi hành đoàn và công nhân sẽ cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đây là lần tiếp nhận bệnh nhân và người cách ly lớn nhất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nên mọi công tác chuẩn bị đã được bệnh viện thực hiện từ nhiều ngày nay. Bệnh viện đã huy động khoảng 170 bác sĩ, nhân viên y tế cho “cuộc chiến” lần này.


Trần Hằng
.
.
.