Chuyện chưa kể về "quả tim bay từ Hà Nội đi Huế cứu sống một thiếu niên"

Thứ Hai, 18/06/2018, 16:49

Đến chiều ngày 18-6, sức khỏe của bệnh nhân 15 tuổi được ghép tim ở Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vào ngày 13-6 tiếp tục diễn biến tích cực. Bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản vào chiều ngày 17-6 và tỉnh táo, có thể giao tiếp với mọi người. Các chỉ số về sức khỏe ngày một tốt hơn. 


Đây là thông tin mới nhất về ca ghép tim vừa thành công nhờ sự phối hợp chuyên nghiệp giữa Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, BV Việt Đức và BV Trung ương Huế, mà ông GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết vào chiều 18-6.

Ngày 13-6, một bệnh nhân còn trẻ không may bị tai nạn và được đưa vào cấp cứu tại BV Việt Đức, nhưng không qua khỏi. Là những người hiểu biết về giá trị của việc hiến tạng, nên gia đình bệnh nhân đã mở lòng hiến tặng toàn bộ mô, tạng của anh cho người cần ghép. 

Ngay lập tức, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia nhanh chóng khởi động, rà soát và khớp nối các thông tin trên “Danh sách chờ ghép Quốc gia”, tìm những bệnh nhân chờ ghép có các chỉ số phù hợp với người hiến.

Ekip “tháp tùng” trái tim từ Hà Nội vào Huế trong đêm

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều tạng quốc gia, có 2 bệnh nhân nặng, đang cấp cứu ở BV Trung ương Huế và BV Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng. Tuy nhiên, Trung tâm quyết định điều chuyển trái tim của người hiến tới BV Trung ương Huế, để ghép cho cháu Phạm Văn C. (Đà Nẵng) mới 15 tuổi, vì bệnh nhi thuộc đối tượng ưu tiên cao nhất. 

Bệnh nhân này đã nhiều lần phải nhập viện cấp cứu. Hiện cháu đang trong tình trạng nguy cấp, sự sống chỉ tính bằng ngày nếu không được ghép tim kịp thời. Đây cũng là trái tim thứ 3 được hiến tặng trong vòng 4 tháng qua.

Thế là bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian của cả trăm thầy thuốc 2 BV và Trung tâm Điều phối tạng, để giành giật sự sống cho cậu bé đang nằm cấp cứu tại Huế.

Vấn đề đầu tiên để cho ca ghép có thể tiến hành là phải đọ chéo máu, mới kết luận có ghép được cho cháu bé hay không. Thông thường, bác sỹ phải mang máu của người nhận đến nơi có người hiến để đọ chéo và nếu phù hợp, phải chờ đợi để mang tạng về ghép cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong ca ghép này, do thời gian quá gấp, nên kíp bác sỹ từ BV Trung ương Huế không thể mang máu của bệnh nhi bay ra Hà Nội để đọ chéo và lấy tạng.

Sau khi nắm bắt tình hình, để kịp thời cứu sống bệnh nhi, GS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức đã cử một kíp phẫu thuật của BV Việt Đức tiến hành phẫu thuật lấy trái tim của người hiến, rồi lại trực tiếp mang từ Hà Nội vào Huế. 

Cùng thời gian này, các cán bộ của Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia mang mẫu máu của người hiến bay vào Huế trước, để đọ chéo. Trong lúc chờ kết quả, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia cùng các bác sỹ của BV Việt Đức tiếp tục bắt chuyến bay khác vào Đà Nẵng để chuyển tới Huế.

Bệnh nhân đã có diễn biến tích cực sau ca ghép

GS. Phạm Như Hiệp đang họp Quốc hội ở Hà Nội, cũng vội xin nghỉ họp để tham gia lấy tạng và chuyển quả tim từ Hà Nội vào Huế. Nhưng không thể chờ chuyến bay thẳng từ Hà Nội vào Huế, do thời gian quả tim hiến không thể để lâu, các bác sĩ phải bay từ Nội Bài vào Đà Nẵng, rồi đi ô tô về Huế. Tranh thủ thời gian, trên máy bay, GS. Phạm Như Hiệp đã cùng ông Nguyễn Hoàng Phúc tranh thủ ký các thủ tục liên quan đến ca ghép tạng khá đặc biệt này.

Chiếc xe cấp cứu của BV Trung ương Huế với đầy đủ trang thiết bị đặc biệt đã chờ sẵn ở sân bay để đón trái tim. Do thời gian quá gấp gáp, các thao tác ban đầu chuẩn bị cho ca ghép đã phải tiến hành ngay trên xe cấp cứu.

23h15 phút, trái tim có mặt tại BV Trung ương Huế, vừa kịp lúc kết quả đọ chéo máu giữa người hiến và người nhận được thông báo là phù hợp. Cuộc phẫu thuật được tiến hành rất khẩn trương ngay sau đó. Với sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý giữa các bác sĩ của 2 BV, đến 6h sáng 14-6, ca ghép hoàn tất. 

Trái tim của người thanh niên ở Hà Nội đã bắt đầu đập trong lồng ngực của cháu bé đang nằm ở Huế, đánh dấu thêm một thành công của lĩnh vực ghép tạng Việt Nam, đặc biệt là của các thầy thuốc BV Trung ương Huế, BV Việt Đức, Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia.

Trao đổi với PV Báo CAND, GS. Phạm Như Hiệp cho biết, ca ghép này gặp nhiều khó hơn ca ghép tim hồi tháng 5-2018. Bởi cháu Phạm Văn C. bị suy tim từ nhỏ, tim bị phù đại gấp nhiều lần người bình thường khiến lồng ngực nhô cao, cơ tim bị giãn, nên các cơ quan khác trong cơ thể cũng bị suy theo. Cháu từng 3 lần bị ngừng tim phải cấp cứu. Thời gian sống của cháu chỉ còn tính từng ngày. 

Do đó, việc hồi sức sau mổ rất khó khăn. Việc vận chuyển trái tim lần này không được đi thẳng từ Hà Nội vào Huế, mà phải từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi lại ngược ra Huế, trên nhiều phương tiện, nên mất nhiều thời gian hơn. Vì thế, thời gian thiếu máu kéo dài hơn khiến việc hồi phục sau ghép khó khăn hơn. Tuy nhiên với trình độ tay nghề và tinh thần vì người bệnh, ca ghép đã có kết quả tốt.

Có thể nói, thành công của việc vận chuyển để ghép tạng giữa 2 miền Bắc và miền Trung có sự kế thừa những kinh nghiệm quý báu từ ca ghép đa tạng xuyên Việt mà Trung tâm Điều phối tạng cùng BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy thực hiện thành công năm 2015 lần đầu tiến hành. 

Đặc biệt, trong các ca ghép xuyên tỉnh, luôn có sự hỗ trợ của Vietnam Airlines. Một tháng trước, để vận chuyển trái tim người hiến vào BV Trung ương Huế cứu bệnh nhân đang nguy kịch, Vietnam Airlines đã đồng ý khởi hành trễ 29 phút để chờ xe vận chuyển tim từ BV Việt - Đức.

Thanh Hằng
.
.
.