Đầu tư và chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến tỉnh:

Người bệnh nghèo cũng được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao

Thứ Sáu, 17/04/2015, 09:23
Trước đây, 100% các ca tán sỏi, mổ máu tụ trong não, mổ đa chấn thương vv…ở các BV tỉnh đều chuyển về Bệnh viện (BV) Việt Đức, nhưng sau khi được các chuyên gia của BV Việt Đức chuyển giao kỹ thuật, đồng thời, đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế, thì nay, chỉ còn 1-3% số bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Nhiều kỹ thuật, các BV tuyến tỉnh đã làm chủ hoàn toàn, tỷ lệ các ca tự thực hiện đạt kết quả 80-100%, như BV ĐK tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Điện Biên. Thông tin này được PGS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết tại hội nghị đánh giá hoạt động của BV vệ tinh trong 2 năm qua, do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 16/4.

Thực tế cho thấy, nhiều BV vệ tinh đã có bước tiến vượt trội về chuyên môn kỹ thuật trong 2 năm qua, nên tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện vệ tinh đã giảm rõ rệt, giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. 

Sau khi được chuyển giao kỹ thuật, BV ĐK tỉnh Phú Thọ đã thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu chuyên ngành ung bướu, nên số lượt người bệnh điều trị tăng rõ rệt: Phẫu thuật ung bướu - hóa trị liệu năm 2013 là 2426 ca, đến năm 2014 tăng lên 3720 ca; số người xạ trị năm 2013 là 450 ca, đến năm 2014 đã lên 1815 ca. Tỷ lệ chuyển tuyến ở BV ĐK tỉnh Hòa Bình giảm từ 35% xuống 26%.

Với sự giúp đỡ của BV chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, số ca phẫu thuật chấn thương sọ não phải chuyển tuyến của BV ĐK tỉnh Ninh Thuận năm 2014 đã giảm 88,5%. Chuyên ngành tim mạch vốn trước chỉ các BV T.Ư mới làm được, nay nhiều BV tỉnh cũng đã thực hiện thường xuyên: BV ĐK tỉnh Thanh Hóa đã được BV E chuyển giao các kỹ thuật phẫu thuật cắt u phổi, u trung thất, cấp cứu vết thương tim, cấp cứu vết thương mạch máu, phẫu thuật  lấy huyết khối động mạch do thuyên tắc... và đã cấp cứu phẫu thuật thành công gần 100 bệnh nhân. 

Mới đây, sau khi BV E tiếp tục chuyển giao tại chỗ quy trình vận hành các trang thiết bị phòng mổ, phòng hồi sức; quy trình khám, sàng lọc bệnh nhân trước mổ tim hở, BV ĐK Thanh Hóa đã thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật vá thông liên thất, vá thông liên nhĩ cho 2 bệnh nhân và các bệnh nhân đã xuất viện khỏe mạnh.

PGS.TS. Trần Bình Giang đã cho PV Báo CAND biết thêm về những con số rất đáng quan tâm: Với kỹ thuật trước đây các BV tuyến dưới không làm nổi như tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng, gãy xương đùi, gây mê hồi sức trong bệnh nhân mổ đa chấn thương vv… thì giờ, các BV vệ tinh đều làm tốt, kể cả các BV vùng cao như Hà Giang, Điện Biên. Số BV phải chuyển tuyến rất ít, tỉ lệ chuyển tuyến cũng thấp, trung bình 3-5%. 

Việc kiểm tra cho thấy ở các BV vệ tinh, kỹ thuật thực hiện thường quy và đúng quy trình, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được kiểm soát nghiêm ngặt và 100% các kỹ thuật sau chuyển giao đều có kết quả tốt. Do đó, nhiều bệnh nhân nặng được cấp cứu kịp thời, tránh được tử vong cũng như hạn chế được các di chứng.

Trao đổi với PV Báo CAND bên lề hội nghị, GS.TS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai - một trong những đơn vị tiên phong xây dựng hệ thống BV vệ tinh thành công, cho biết: Sau 7 năm, BV Bạch Mai đã cùng các BV vệ tinh tổ chức thành công trên 450 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 24.930 lượt học viên với 252 kỹ thuật, trong đó có nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu mới được áp dụng tại Việt Nam như tim mạch can thiệp, điện quang can thiệp, xạ trị… góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho các BV. 

5 năm gần đây, các BV vệ tinh đã tăng quy mô giường bệnh lên 227%, tăng số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú 2,3 lần, số bệnh nhân nội trú tăng 1,3 lần. Đặc biệt, số ngày điều trị đã được rút ngắn từ 8,4 ngày xuống còn 6,8 ngày và giảm đáng kể số bệnh nhân tử vong, khoảng 1,5 lần.

Đầu tư cho BV tuyến dưới, người dân được hưởng lợi nhiều hơn.  

Trong khi đó, tổng số các thủ thuật, phẫu thuật lại tăng gần gấp đôi, các xét nghiệm tăng mạnh, từ 3.530.063 lên 6.635.027 bệnh nhân, đặc biệt là các xét nghiệm hóa sinh tăng ng 2,5 lần. Số lượng thực hiện các kỹ thuật cao tăng vọt, điển hình như số ca chụp cộng hưởng từ tăng xấp xỉ 13 lần, số ca điện não đồ, nội soi đều tăng gấp 3 lần vv..

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB), chỉ trong 2 năm 2013-2014, chuyên ngành ung bướu đã chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật, chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành nhi đã chuyển giao thành công 34 lượt kỹ thuật, chuyên ngành sản là 28 lượt chuyển giao .. . Nhờ vậy, nhiều BV vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao, cấp cứu được nhiều người bệnh qua cơn hiểm nghèo.

Những con số này đã cho thấy, chủ trương để các BV tuyến T.Ư chuyển giao kỹ thuật cũng như đầu tư các trang thiết bị cho các BV tuyến tỉnh là phù hợp. Vì các bác sĩ của BV tuyến dưới ít có điều kiện tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật y khoa tiên tiến, nay được các chuyên gia giỏi nhất của các chuyên ngành đào tạo lại và cung cấp các kiến thức hiện đại nhất, để KCB cho nhân dân. 

Nhờ đó, người dân không phải về các BV tuyến trên để điều trị, vừa giảm chi phí tốn kém cho người bệnh, mà cũng giảm cả chi bảo hiểm y tế, hơn nữa, các BV tuyến tỉnh được sử dụng hết công suất, giảm gánh nặng cho các BV tuyến T.Ư. 

Khi các BV tuyến trên giảm tải, thì chất lượng chăm sóc người bệnh sẽ được nâng lên và các BV cũng có điều kiện để nghiên cứu khoa học, cải tiến chất lượng KCB, như nhiệm vụ chính của các BV tuyến T.Ư.

Thanh Hằng
.
.
.