Bệnh tay chân miệng đang gia tăng do lơ là, chủ quan

Thứ Năm, 10/09/2015, 17:05
Tại khoa Nhiễm thuộc bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 , TP Hồ Chí Minh trong ngày 10/9 đang có tới 56 bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng (TCM) phải nằm điều trị. Bên ngoài phòng khám, các y bác sĩ cũng đang rất bận rộn khám và cho toa thuốc cho các trường hợp bị TCM nhưng bệnh nhẹ được cho về nhà theo dõi.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm của BV này cảnh báo: “Chỉ trong vòng 2 tuần qua, số trẻ mắc bệnh TCM nhập viện đã tăng gấp đôi”.

Theo BS Khanh, vào tháng 6, tháng 7, số ca TCM phải nằm nội trú trong khoa chỉ ở mức 30-40 ca/ngày, nhưng từ giữa tháng 8 tới nay thì số ca TCM nằm trong khoa luôn duy trì tới 80 ca/ngày nằm nội trú . Riêng tại Phòng hồi sức tích cực đang có 2 ca TCM nặng do biến chứng phải thở máy. Rơi vào các trường hợp do cha mẹ hoặc thầy cô giáo ở lớp Mầm non cho rằng, thời điểm hiện tại không phải là dịch của TCM nên có phần nào lơ là, chủ quan. Do đó khi thấy trẻ có dấu hiệu lở miệng, sốt nhẹ… đã bị bỏ qua tới khi bệnh diễn tiến quá nhanh, đưa vào viện đã trong tình trạng nặng. Gây khó khăn cho công tác điều trị.

Hai trường hợp trẻ mắc Tay chân miệng nặng đang được chăm sóc tại bệnh viện Nhi đồng 1

Cũng theo BS Khanh, tại Việt Nam, TCM có 2 mùa dịch. Đợt 1 vào tháng 4,5,6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12. Điểm đáng chú ý của TCM là bệnh lây lan không liên quan tới vấn đề vệ sinh mà bệnh lây qua vi rút đường tiêu hóa, từ người mang vi rút sang người lành. Nhất là trong khâu trực tiếp chăm sóc trẻ. Từ bàn tay người chăm sóc bị nhiễm vi rút lây qua trẻ khi cho ăn, bế ẵm, khi cho trẻ chơi đồ chơi bị nhiễm vi rút  Entero vi rút 71 (EV71).

Tại trường, hay tại các nhóm trẻ gia đình, trường Mầm non xảy ra dịch khi trẻ nhiễm vi rút lây cho trẻ khác khi trẻ ngồi chơi với nhau, lây qua nước miếng do văng, bắn vào nhau. Đặc biệt thói quen mớm cơm cho con nít là nguyên nhân gây lây bệnh từ người lớn sang trẻ em rất cần được chú ý.  Loại vi rút này tương đối bền có thể  sống ở tay nắm cửa, lưu cữu trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm TCM thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.

Những mụn nước điển hình, nổi rất rõ trên cơ thể 1 trẻ mắc bệnh tay chân miệng
56 ca mắc tay chân miệng đang nằm nội trú tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP HCM ngày 10/9.

BS Khanh cũng phân tích: Có bé có vết lở miệng, sốt khóc quấy rất dễ nhận biết bệnh TCM nhưng có bé bị bệnh này lại có biểu hiện rất “kín đáo” như chỉ nổi vài mụn nước nhỏ xíu ở lòng bàn tay, chân. Do vậy, việc quan trọng nhất là cần phát hiện sớm trẻ mắc TCM và trẻ bị bệnh TCM thể nặng. Chú ý ở những bé sốt cao, kéo dài trên 2 ngày, khó hạ sốt, nôn ói nhiều. Đây là 3 triệu chứng nhận biết nguy cơ của TCM biến chứng. Với trẻ có tình trạng giật mình, chới với, run chi…đặc biệt theo dõi ở trẻ đã được chẩn đoán mắc TCM, nếu trong 30 phút mà bị giật mình tới 2-3 lần thì cần đưa đi viện ngay vì rất có thể đó là biểu hiện biến chứng của TCM. Vì nếu không được điều trị kịp thời, TCM biến chứng thường để lại di chứng rất nặng nề, như viêm não hay chậm phát triển trí tuệ…Ngoài ra trẻ mắc TCM dưới 3 tuổi, khi mắc bệnh thường nặng hơn và diễn tiến rất nhanh. Với bác sĩ không có  kinh nghiệm dễ chẩn đoán lầm là viêm họng, viêm màng não hay sốt siêu vi.

H.Nga
.
.
.