Bác sĩ BV Chợ Rẫy kể chuyện ‘đánh số’ bệnh nhân vụ sập hầm
Vừa từ hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, về TP HCM sau 3 ngày hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt, ngày 22/12, PGS-TS Trần Minh Trường, Phó GĐ bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với PV báo chí: “chúng tôi cảm phục tất cả mọi lực lượng đã tham gia trong công cuộc cứu hộ, cứu nạn cho 12 nạn nhân. Trong cuộc đời làm bác sĩ, chưa bao giờ chúng tôi tự hào và xúc động đến thế! Tự hào vì mình đã đóng góp được một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc cứu người đúng lúc nhất khi nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên đường làm nhiệm vụ”.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế (BYT), nhóm 10 bác sĩ BV Chợ Rẫy hợp tác thật chặt chẽ với Sở Y tế Lâm Đồng, không để sai sót trong việc hồi sức cấp cứu. Và bác sĩ Trương Dương Tiển, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy được giao viết Đề án cấp cứu ngay trong đêm tới hiện trường.
Đề án đưa ra phác đồ điều trị rõ ràng, phù hợp với các cấp độ bệnh nhân nặng, nhẹ, trung bình.. Trong đó, thống nhất quy trình cấp cứu cho nạn nhân khi cứu hộ thành công: Các bác sĩ phải đeo cho mỗi nạn nhân 1 bảng số. Bảng này được chuẩn bị và mang theo từ BV Chợ Rẫy, theo thứ tự từ 1 tới 12 là số nạn nhân. Vì cấp cứu khẩn trương, không thể làm hồ sơ bệnh án như ở BV nên bệnh nhân phải được “số hóa”. Gọi bệnh nhân, điều trị thuốc gì, theo dõi ra sao đều bằng con số...
PGS-TS Trần Minh Trường (bên phải) và BS Trương Dương Tiển xúc động kể lại chuyện cấp cứu cho nạn nhân tại vụ sập hầm thủy điện. |
PGS-TS Minh Trường và lãnh đạo BV Lâm Đồng phải thực địa bằng cách vào tận cửa hầm bên trong. Tận tay sờ vào đường ống nhựa bên ngoài nối vào trong hầm dùng để cung cấp thức ăn, ô xy cho nạn nhân. Việc chuyển cho nạn nhân cháo loãng, nước gừng đã tốt rồi nhưng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, làm sao bệnh nhân phải có sữa, dịch truyền và kháng sinh...
Nhờ có kinh nghiệm trong công tác cấp cứu sập nhịp cầu Cần Thơ trước đây, nhóm BS Chợ Rẫy đã mang theo dung dịch Nutriron Energy (có hàm lượng năng lượng rất cao: 1ml =1,5 Kcalo) là loại khoa hồi sức tích cực dùng nuôi ăn cho bệnh nhân nặng, giúp cơ thể chuyển hóa tốt, còn giúp cơ thể sinh nhiệt nhiều.
Có 2 đợt dinh dưỡng này được chuyển lên tới tận hiện trường từ BV Chợ Rẫy, mỗi đợt 50 bịch, mỗi bịch 1000 ml. Dự tính mỗi nạn nhân một ngày cần 1- 1,5 bịch rưỡi.
Thế nhưng, lúc đầu, việc chuyền dung dịch vào cho nạn nhân gặp trở ngại, do dung dịch có nhiều dầu mỡ nên khi bơm qua ống quá nhỏ (chỉ bằng ngón tay út) bị tắc nghẽn. Sau khi trao đổi với các đồng nghiệp “ở nhà”, họ đã tìm cách pha loãng với nước để dễ chuyển vào. Sau khi ăn, các nạn nhân báo ra là no rất lâu, hết ngày cũng không cần ăn gì!
“Cuộc đời tôi chưa bao giờ xúc động như vậy, công tác cứu chữa cho những bệnh nhân đặc biệt”. BS Tiển xúc động. Theo BS Tiển, khi cấp cứu cho nạn nhân Đặng Thị Hồng Ngọc là người yếu nhất, phải lùi xe cứu hộ vào tận cửa hầm. Còn tất cả những nạn nhân khác thì lực lượng cứu hộ bao giờ cũng phải là người khiêng, dìu nạn nhân ra trước, mỗi nạn nhân phải ủ 2 chăn dạ, từng bình dịch truyền phải đầy đủ từ lúc diễn tập cùng các lực lượng trước đó.
Việc đưa nạn nhân ra phải hết sức nhẹ nhàng, không khí xung quanh càng giữ yên lặng càng tốt, do thần kinh của mọi nạn nhân khi đã bị nằm trong hầm tối lạnh, suốt 4 ngày đêm rất cần điều đó. Rất may là có lực lượng Quân đội, Công an đi trước dẹp đường. Sau đó bác sĩ mới tiến hành sưởi ấm, truyền dịch, theo phác đồ 1, 2, 3... đều phải chuẩn xác.
“Thành công của việc cứu được 12 nạn nhân lần này là tất cả mọi lực lượng tham gia đã phối hợp thật ăn ý, nhịp nhàng. Đây là nguyên tắc hàng đầu của việc cứu hộ, cứu nạn, để có được thành công chung tuyệt vời như vậy!” - BS Tiển nhấn mạnh...