Tai biến y khoa, không sợ bằng sự vô cảm của nhân viên y tế
- Thông tin mới nhất về vụ 2 bệnh nhân tử vong tại BVĐK Trí Đức
- Hé lộ danh sách y bác sĩ trong 2 "ca mổ tử thần" ở BV Đa khoa Trí Đức
- Công an vào cuộc vụ 2 bệnh nhân tử vong trong 1 ngày tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức
Trước đó là vụ mổ nhầm chân cho bệnh nhân vào tháng 7-2016 tại BV Việt Đức; vụ cháu Lê Thị Hà Vi (Đắk Lắk) phải cưa chân do thiếu sót trong quá trình điều trị; vụ mổ nhầm thận ở BVĐK Cần Thơ vv…
Điều khiến dư luận quan tâm là, bên cạnh những tai biến y khoa do không lường trước được, thì có những tai biến do trình độ, năng lực cũng như thái độ thờ ơ, vô cảm của một số nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc và điều trị, khiến tình trạng bệnh nặng thêm, thậm chí có trường hợp tử vong. Những sai sót thuộc về phía BV đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế, làm giảm lòng tin của người dân.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, ở Việt Nam hiện chưa có thống kê chính xác về các tai biến y khoa. Tuy nhiên gần đây báo chí đã phản ánh nhiều trường hợp tai biến, là có những nguyên nhân: Về khách quan, điều kiện cơ sở vật chất của BV, cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều kiện nhân lực...
Còn về chủ quan là do cán bộ y tế chưa quan tâm nhiều đến an toàn người bệnh, không chấp hành đúng quy trình chăm sóc, điều trị, thực hành kỹ thuật y khoa, và các điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn, dẫn đến những tai biến y khoa đáng tiếc..
Việt Nam hiện đã có thống kê từ các báo cáo kiểm tra BV về số lượng tai biến y khoa, nhưng chưa đầy đủ, bởi một số BV và cá nhân thầy thuốc còn lo sợ bị kiểm điểm, vì "bệnh thành tích" nên báo cáo chưa chính xác. Theo một nghiên cứu, chỉ 56% bác sĩ và nhà quản lý muốn công khai một phần sai sót y khoa, trong khi có đến 42% không muốn công khai bất cứ sai sót nào.
Nói về các vụ tai biến y khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu quan điểm: Tai biến y khoa là do rủi ro xảy ra ngoài ý muốn, có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh (KCB) như nhầm thuốc, phẫu thuật nhầm người bệnh, nhầm vị trí, nhầm phương pháp; chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế tắc trách, hoặc thiếu kinh nghiệm. Nhưng tai biến y khoa cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.
Tuy nhiên, trước những vụ tai biến y khoa, ngành Y tế đã khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm: Bác sĩ Phan Văn Hậu – phẫu thuật viên chính cho người bệnh trong vụ mổ nhầm chân ở BV Việt Đức đã bị tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật; xử phạt vi phạm hành chính đối với BVĐK huyện Cư Kuin (Đắc Lắk) vì những thiếu sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu không được xử trí kịp thời dẫn đến cháu Lê Thị Hà Vi phải cưa chân. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân vụ hai bệnh nhân tử vong sau khi được gây mê tại BVĐK Trí Đức, trước mắt đình chỉ 2 kíp mổ cho 2 nạn nhân.
Theo người đứng đầu ngành Y tế, Bộ Y tế cũng đã có quy định nhằm hạn chế tối đa tai biến y khoa và đưa việc báo cáo về tai biến y khoa là một chỉ tiêu trong báo cáo kiểm tra BV và hàng năm. Bộ Y tế dự kiến năm 2017 sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buôc và tự nguyện trong BV. Bộ Y tế cũng sẽ thiết lập Tổ chức chứng nhận chất lượng BV độc lập, để thực hiện việc đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng BV khách quan và được chuẩn hóa...