Cần có cơ chế đẩy nhanh quá trình nhập khẩu vaccine

Chủ Nhật, 07/02/2021, 09:54
Tốc độ lây lan của virus COVID-19 biến chủng mới lên tới 70% so với chủng cũ, rất nhiều trường hợp F1 đã trở thành F0. Người dân hy vọng vào việc có vaccine để ngừa bệnh, song hiện nay chúng ta mới đàm phán nhập khẩu được 30 triệu liều.

Chỉ trong vòng một tuần, dịch COVID-19 đã bùng phát ra 12 tỉnh, thành phố trên cả nước và tính đến chiều 6 – 2 đã có 394 ca nhiễm. Tốc độ lây lan của virus biến chủng mới lên tới 70% so với chủng cũ, rất nhiều trường hợp F1 đã trở thành F0. Người dân hy vọng vào việc có vaccine để ngừa bệnh, song hiện nay chúng ta mới đàm phán nhập khẩu được 30 triệu liều. 

Dịch đang có nguy cơ lan rộng trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân lớn. Để dập dịch, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã có những chiến lược mới để ứng phó nên rất cần sự hợp tác của người dân trong công tác phòng, chống. 

Phóng viên Báo CAND đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, với tình hình hiện nay, liệu đến Tết, tại các ổ dịch phức tạp chúng ta có “vùng an toàn” được không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Với tình hình này thì đến Tết chưa thể nói ở đâu là an toàn được vì hiện tại có thể nhiều người mang virus gây dịch COVID-19 đang đi lại trong cộng đồng mà chưa được phát hiện. Hiện nay, dịch đã lan ra 2 tỉnh mới là Điện Biên và Hà Giang cũng bắt nguồn từ ổ dịch tại Hải Dương khi những người này di chuyển về địa phương. Bất kỳ ai nếu không thực hiện tốt hướng dẫn “5K” của Bộ Y tế đều có thể bị nhiễm bệnh. Nhiều người dân ở một số vùng có thể sẽ không có Tết.

PV: Trong đợt dịch này, có một số địa phương triển khai chống dịch còn chậm và lúng túng, đặc biệt là công tác truy vết. Theo ông, hạn chế này cần được khắc phục bởi những giải pháp nào?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Thời gian vừa qua, sau một thời gian không có ca bệnh trong cộng đồng nên tâm lý chủ quan đã xuất hiện, nhiều người dân đã lơ là trong phòng chống dịch, không đeo khẩu trang, không rửa tay với xà phòng, không giữ khoảng cách. 

Trong khi đó, nhiều đơn vị, cơ quan, những nơi tập trung đông người trong môi trường đóng kín như các xí nghiệp sản xuất đã không thực hiện nghiêm công tác chống dịch. Càng gần Tết thì các địa phương càng lơ là, chủ quan hơn. Lượng người nhập cảnh chính thức và không chính thức cũng tăng mạnh và nhiều người trong số họ đi từ vùng dịch ở nước ngoài về. Chính vì vậy dịch đã bùng phát.

Việc cần làm bây giờ là khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, đi từ ổ dịch về địa phương. Nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Tăng cường xét nghiệm những đối tượng trong diện nghi ngờ. Thắt chặt công tác giám sát dịch tại các bệnh viện, nhất quyết không để dịch bùng phát trong bệnh viện. Đẩy mạnh công tác truyền thông thực hiện 5K đến từng người dân.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga.

PV: Việt Nam đã cấp phép và đặt mua 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca vào quý 1 năm nay, theo ông hiệu quả miễn dịch của vaccine được đánh giá như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Vaccine của Astra Zeneca được đánh giá là có hiệu quả cao trong phòng COVID-19 cho các cá nhân được tiêm chủng. Tuy nhiên với 30 triệu liều thì mới bảo vệ được nhiều nhất là 15% dân số sau khi tiêm xong, nên vẫn chưa có giá trị tạo miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, biện pháp cơ bản vẫn là thực hiện phòng chống dịch như chúng ta vẫn đang làm.

PV: Virus biến chủng mới ở Anh và Nam Phi biến đổi theo cơ chế nào và có ảnh hưởng gì đến việc sản xuất vaccine COVID-19 hay không?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Việc virus biến chủng là quá trình tiến hóa bình thường. Hiện tại 3 biến chủng đang lan nhanh trên toàn cầu là chủng ở Anh, Nam Phi và Brazil. Trong đó các chủng ở Anh và ở Nam Phi đang gây quan ngại vì chúng lây lan rất nhanh so với chủng nguyên thủy. Các biến chủng này theo cơ chế tăng tính lây lan mạnh hơn, dễ hơn. 

Chủ yếu là nó xóa bỏ hai axít amin H69 và V70 trong protein hình gai nhọn bên ngoài virus SARS-CoV-2. Protein này đóng vai trò then chốt trong khả năng xâm nhập của virus corona vào tế bào của chúng ta. Ngoài ra, còn có các biến đổi trong nhiều protein khác của virus. Những biến đổi này dường như đang hướng tới sự lẩn tránh việc phát hiện bằng xét nghiệm PCR hiện nay và tránh bị vaccine vô hiệu hóa. Chính vì vậy việc sản xuất vaccine phải liên tục cập nhật kịp những biến thể của virus.

PV: Để có thể triển khai tiêm vaccine nhanh nhất cho người dân, chúng ta cần ưu tiên giải pháp nào, ví dụ kinh phí hay cơ chế chập khẩu vaccine? Theo ông, thời điểm này chúng ta nên nhập khẩu vaccine để tiêm chủng rộng rãi trong toàn dân hay đợi vaccine sản xuất trong nước?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Theo tôi chúng ta cần ưu tiên cả hai, cần huy động, ưu tiên kinh phí và có cơ chế đẩy nhanh quá trình nhập khẩu. Trước mắt, nên nhập khẩu vaccine để tiêm cho những đốí tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế trực tiếp khám chữa bệnh, người có bệnh nền, người cao tuổi... Hy vọng đến cuối năm nay và đầu năm sau, chúng ta có vaccine sản xuất trong nước để sử dụng cho toàn dân.

PV: Một số tỉnh hiện đã xin Chính phủ trích ngân sách để mua vaccine tiêm cho người dân, như Hà Nội dự kiến tiêm vaccine cho cả Thủ đô, vậy chúng ta cần những giải pháp nào để thực hiện được điều này, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Ngoài việc thực hiện đúng quy trình nhập khẩu theo quy định của Bộ Y tế thì chúng ta cần có kế hoạch chi tiết chiến dịch tiêm chủng. Trước hết cần xây dựng danh sách các đối tượng ưu tiên, xây dựng lịch tiêm chủng cho từng khu vực. Sau đó tổ chức huấn luyện cho đội ngũ cán bộ y tế và lực lượng hỗ trợ thực hiện tiêm chủng, có kế hoạch xử trí sự cố tiêm chủng, kế hoạch truyền thông. Trước tiên phải tổ chức tiêm thí điểm. Sau mỗi một giai đoạn cần có sơ kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch thực hiện tiếp theo.

PV: Hiện nay còn nhiều người là F1 nhưng không khai báo y tế hoặc không hợp tác trong khai báo, gây khó khăn cho việc truy vết. Theo ông, với tốc độ lây lan của dịch như hiện nay, để dập dịch, chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Chúng ta cần có các biện pháp mạnh để răn đe những trường hợp cố tình không thực hiện các yêu cầu chống dịch, làm lây lan dịch ra cộng đồng. Phải làm quyết liệt để chạy đua với tốc độ lây lan nhanh của virus. Chúng ta cần có sự hợp tác của mọi người dân, huy động mọi thành phần xã hội trong việc truy vết, cách ly và xét nghiệm. Cả nhà nước và nhân dân cùng vào cuộc, cùng hợp tác với nhau mới hy vọng dập được dịch.

Trước diễn biến mới của dịch, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo rất cụ thể cho từng địa phương, các chỉ đạo này đều nhanh hơn một bước. Chẳng hạn như ngày 5-2, khi dịch đã lan ra 12 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã chỉ đạo 3 thay đổi lớn trong chiến lược chống dịch. Đây là những chiến thuật đáp ứng sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ của dịch nhằm mục tiêu khống chế lây lan, sớm khoanh vùng, dập dịch.

PV: Tết Nguyên đán đã cận kề, người dân từ thành phố sẽ về quê ăn Tết hoặc đi lại giữa các tỉnh với nhau. Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, ông có khuyến cáo gì đối với người dân lúc này?

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Tôi khuyến cáo tới nhân dân là hạn chế tối đa việc đi lại, giao lưu vì nếu chúng ta đi lại, giao lưu có thể góp phần phát tán bệnh dịch. Người dân cũng nên tránh các bữa tiệc tùng đông người, đặc biệt là với những người đi xa về. Chúng ta luôn luôn thực hiện đúng các hướng dẫn Thông điệp 5K của Bộ Y tế là: Khẩu trang - Khử khuẩn-  Khoảng cách - Không tụ tập và Khai báo y tế để giữ an toàn cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.