Học phí khối ngành Y tăng mạnh:

Cần cơ chế giám sát để tránh việc “tận thu”

Thứ Tư, 10/06/2020, 07:13
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), từ nhiều năm nay, ngành Y luôn là một trong những địa chỉ được nhiều sinh viên nghèo học giỏi hướng đến. Nếu học phí quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, học phí sẽ trở thành một tiêu chí chính khi lựa chọn ngành học...


Năm học 2020-2021, học phí đại học (ĐH) công lập khối ngành sức khỏe các trường hoạt động theo cơ chế tự chủ dự kiến tăng mạnh, cá biệt có ngành học còn tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo y khoa rất tốn kém vì không thể đào tạo “chay”. Do vậy, khi không có sự hỗ trợ thêm của Nhà nước do trường thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn thì giải pháp tăng học phí cũng là tất yếu.

Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào cần có cơ chế giám sát để việc tăng học phí không “tước” đi cơ hội được học tập của học sinh nghèo.

Học sinh nghèo học giỏi có mất cơ hội trở thành bác sĩ?

Theo đề án tuyển sinh năm học 2020-2021, Trường Đại học (ĐH) Y dược TP Hồ Chí Minh dự kiến mức học phí dao động từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo ngành, trong khi năm học 2019 là 13 triệu đồng/năm. Cụ thể, ngành Răng hàm mặt có mức học phí cao nhất là 70 triệu đồng, Y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng/năm. Các ngành Điều dưỡng, kỹ thuật thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng cùng có mức học phí 40 triệu đồng/năm. Hai ngành cùng mức học phí 38 triệu đồng/năm là y học dự phòng và y học cổ truyền. Còn ngành Y tế công cộng và dinh dưỡng có học phí 30 triệu đồng/năm.

Nỗi lo của học sinh nghèo càng tăng lên khi học phí ngành Y tăng mạnh. Ảnh minh họa

Ngoài ra, mức học phí các năm tiếp theo tại ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%. Dù có mức học phí khá cao so với mặt bằng chung các trường công lập đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong những năm gần đây song năm học 2020-2021, học phí đào tạo của Khoa Y thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục tăng so với năm 2019. Cụ thể, ngành Răng hàm mặt 88 triệu đồng/năm học, Y đa khoa 60 triệu đồng  và Dược học 55 triệu đồng/năm...

Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố học phí dự kiến năm 2020 theo đề án tự chủ của chương trình đại trà cũng tăng lên 24,6 triệu đồng/năm, trong khi năm 2019 mức học phí của trường là 19,2 triệu đồng/năm…

Với mức tăng học phí ngành Răng hàm mặt là 70-88 triệu đồng/năm, ngành Y khoa 60 triệu đồng/năm và mỗi năm, học phí tăng thêm trung bình khoảng 10%, tính ra nếu học 5-6 năm mới ra trường thì chỉ tính riêng học phí, sinh viên ngành Răng hàm mặt phải nộp khoảng 350-440 triệu đồng; sinh viên ngành Y đa khoa nộp khoảng 360 triệu đồng. Nếu cộng thêm các chi phí sinh hoạt khác, trung bình 2-4 triệu đồng/tháng, với 5-6 năm đại học, mỗi sinh viên sẽ mất thêm 140-280 triệu đồng.

Như vậy, sau khi tốt nghiệp, mỗi sinh viên sẽ mất khoảng 490 triệu đến 800 triệu đồng. Đây là con số “gây sốc” với những học sinh có nguyện vọng trở thành bác sĩ, nhất là hoc sinh giỏi nhưng điều kiện kinh tế trung bình hoặc khó khăn. Nhiều giáo viên phổ thông cho rằng, với mức học phí này, có khả năng nhiều học sinh lớp 12 năm nay phải từ bỏ giấc mơ trở thành bác sĩ.

Còn theo các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), từ nhiều năm nay, ngành Y luôn là một trong những địa chỉ được nhiều sinh viên nghèo học giỏi hướng đến. Nếu học phí quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, học phí sẽ trở thành một tiêu chí chính khi lựa chọn ngành học. Nghĩa là số sinh viên giỏi sẽ giảm xuống và số sinh viên có tiền theo học y sẽ tăng lên. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực chung cũng như đặc thù riêng của ngành.

Đa dạng nguồn thu, không thể chỉ trông chờ vào học phí

Nghị định 86/2015 của Chính phủ đã quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh, các khoản dịch vụ khác. Đối với các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ, nhà nước sẽ quy định mức học phí cho mỗi trường.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và nghị định hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực từ tháng 7-2019, các cơ sở giáo dục ĐH công lập sẽ thực hiện thu học phí theo điều 65 của luật. Theo đó, các trường ĐH đáp ứng được khoản 2 điều 32 Luật Giáo dục ĐH sửa đổi về các điều kiện để được tự chủ, đồng thời tự bảo đảm được kinh phí chi thường xuyên thì sẽ được tự xác định mức thu học phí trên cở sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Với các trường ĐH khối Y dược, khi thực hiện tự chủ tài chính, việc điều chỉnh tăng học phí cũng là thực hiện theo đúng quy định của Luật song việc tăng “phi mã” như thông báo của một số trường ĐH phía Nam đã thực sự khiến xã hội lo lắng. Đây cũng là lý do mà ngay từ khi lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về câu chuyện tăng học phí sau tự chủ. Cách nào để tránh việc “tận thu”, cơ chế giám sát ra sao để học phí không “tăng phi mã”, khiến con em của các gia đình khó khăn không có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH?

Nhiều giải pháp đã được đề xuất trong đó, đa số đồng tình với quan điểm các trường cần chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa các nguồn thu, không chỉ mãi trông chờ vào nguồn thu học phí để giảm bớt gánh nặng cho người học.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhiều trường ĐH quốc tế tính học phí dựa trên nguyên tắc phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. Theo đó, các trường tính chi phí đào tạo một sinh viên, sau đó mới tính đến nguồn thu để bù đắp chi phí này và nguồn thu ở đây không phải chỉ riêng học phí.

Thông thường, trường sẽ có 3 nguồn thu là học phí, nguồn hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng và nguồn do xã hội hiến tặng hay do nhà trường huy động được. Khi đã công bố được các cam kết chuẩn đầu ra và tổng nguồn thu, nhà trường mới cân đối để đưa ra mức học phí phù hợp.

Ông Khuyến cũng cho rằng, để hài hòa quyền lợi giữa nhà trường và sinh viên, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục đào tạo để làm căn cứ để các trường ra được quyết định mức thu học phí. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề thu học phí.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thay đổi chính sách tín dụng cho sinh viên phù hợp với học phí mới. Các trường ĐH cũng cần những cam kết cụ thể khi thực hiện cơ chế tự chủ đó là không bỏ rơi người học bằng chính sách học bổng, dự án xã hội hóa kêu gọi hỗ trợ dành cho đối tượng này.

Huyền Thanh
.
.
.