Các ổ dịch vẫn gia tăng số ca mắc mới

Thứ Ba, 18/05/2021, 06:58
Ngày 17/5, cả nước ghi nhận 181 ca mắc COVID-19 mới, nhiều nhất vẫn là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có các ổ dịch trong khu công nghiệp (KCN) và trong dân cư. Tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch COVID-19, sử dụng Nhà thi đấu thể thao của tỉnh để thiết lập bệnh viện dã chiến 800 giường.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 tấn công vào nhiều người mắc bệnh nền, nhiều bệnh nhân tuổi còn trẻ nhưng đã diễn biến tăng nặng rất nhanh. 

Bệnh viện tuyến tỉnh điều trị nhiều người bệnh nặng

Theo đánh giá của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đợt dịch này có nhiều bệnh nhân nặng, trong đó nhiều người còn trẻ. Ngày 17/5, nam bệnh nhân 3.055, SN 1987, trú tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, mắc COVID-19 đã tử vong do các bệnh lý nền. Bệnh nhân được xác định dương tính vào ngày 6/5.

Ngày 10/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán viêm màng não mủ trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 (cách đây 6 tháng, bệnh nhân bị TNGT chấn thương sọ não). Bệnh nhân chuyển biến nặng rất nhanh, được cấp cứu điều trị tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, kháng sinh kết hợp, thuốc chống đông… nhưng bệnh nhân không đỡ và tử vong. Đây là ca tử vong thứ hai ở đợt dịch này và là bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 37 của Việt Nam.

Bắc Ninh, ổ dịch lớn thứ 2 cả nước, đang điều trị cho 236 bệnh nhân COVID-19 và 289 trường hợp nghi nhiễm. Theo Sở Y tế Bắc Ninh, hiện có 13 bệnh nhân diễn biến nặng, trong đó có 3 bệnh nhân phải thở máy. Bệnh nhân COVID-19 trẻ nhất đang diễn biến nặng là BN 3.469 (SN 1976) trú tại xã ở Mão Điền, huyện Thuận Thành. Nữ bệnh nhân hiện được chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp.

Trường hợp thứ 2 là BN 3.760 (SN 1954), trú tại xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, mới vào viện ngày 14/5 với triệu chứng sốt, ho, nhưng đã diễn biến nặng rất nhanh, bị viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp, suy thượng thận. Trường hợp thứ 3 là nam bệnh nhân SN 1963, ở xã Mão Điền, được chuyển lên từ BV Dã chiến số 2 trong tình trạng viêm phổi nặng do COVID-19, suy hô hấp.

Tại cuộc họp của Đoàn công tác Bộ Y tế với tỉnh Bắc Ninh vào tối 16/5, Sở Y tế Bắc Ninh đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế giúp tỉnh điều trị các ca bệnh nặng, vượt quá khả năng chuyên môn điều trị của tỉnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ sẽ đồng ý tiếp nhận lên tuyến trên 3 ca bệnh nặng để bảo đảm an toàn cho người bệnh. Bộ Y tế cam kết sẽ giúp đỡ Bắc Ninh trong việc hội chẩn những trường hợp bệnh nhân nặng, thở máy, thống nhất cử các chuyên gia hỗ trợ Bắc Ninh trong điều trị.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, trong hơn 1.400 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại hơn 60 cơ sở y tế trên cả nước, có 449 ca tiên lượng nặng, 4 ca nặng thở máy không xâm nhập, 32 ca nặng phải thở oxy, 16 ca nguy kịch với 2 ca phải chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Đặc biệt, có một ca tiên lượng tử vong ở BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV đang điều trị cho 344 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 52 bệnh nhân nặng, nguy kịch, 15 người phải thở máy (1 ca ECMO, 4 ca lọc máu liên tục). Trong số bệnh nhân nặng, còn  có 3 nhân viên y tế đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, có bác sĩ còn rất trẻ.

Tại buổi hội chẩn ca bệnh nặng vào sáng 17/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tỉnh Bắc Ninh chưa làm được ECMO, để điều trị những bệnh nhân nặng, tỉnh phải rất chủ động, đề nghị hội chẩn, lập danh sách những trường hợp có diễn biến thở oxy. Riêng Khoa Truyền nhiễm của BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh nơi đang điều trị 46 ca bệnh, cần chấp hành nghiêm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để tránh tuyệt đối lây nhiễm ra khoa, phòng khác, tuyệt đối không được để bệnh viện tỉnh phải đóng cửa.

Tại buổi hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn giao nhiệm vụ cho Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai hỗ trợ rà soát lại nhân lực, máy móc, điều kiện xét nghiệm của BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để đánh giá khả năng chạy ECMO ở đơn vị này.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các bệnh viện đầu ngành về hồi sức tích cực rà soát ngay năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực của các BV tuyến dưới trong hệ thống chỉ đạo tuyến của mình đã được Bộ Y tế phân công, có kế hoạch tập huấn chuyển giao kỹ thuật cao như lọc máu, ECMO để các cơ sở tuyến dưới tự thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ".

Các nhân viên y tế của BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Bắc Giang liên tục trong nhiều giờ để kịp tiến độ.

Xét nghiệm còn chậm

Đến trưa 17/5, số ca mắc mới được ghi nhận ở Bắc Giang - ổ dịch lớn nhất cả nước là 38 trường hợp, thấp hơn nhiều so với ngày 16/5. Tuy nhiên, theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thực tế số lượng F0 chưa giảm do tốc độ lấy mẫu thì nhanh nhưng quá trình chạy máy (xét nghiệm) lại chậm. Bắc Giang đã phải gửi mẫu đi nhiều tỉnh, thành phố xung quanh và nhờ quân đội hỗ trợ xét nghiệm, nhưng tốc độ vẫn còn chậm. Ngày 16/5 Bắc Giang đã lấy được 20 nghìn mẫu, trong đó hơn 11 nghìn mẫu chuyển về BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để xét nghiệm.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới, dự báo số lượng F0 còn tăng nữa. Bởi toàn bộ KCN ở huyện Việt Yên có tới 16.000  công nhân, làm việc trong môi trường phân xưởng, phòng lạnh, ăn cùng nhà ăn, đi cùng nhau trên xe vận chuyển nên lây lan rất nhanh. Hiện, số lượng F1 đã lên tới 10.000 người. Đây là thách thức rất lớn trong việc xét nghiệm, điều tra, truy vết và tổ chức cách ly.

Theo ông Lê Ánh Dương, trước mắt tỉnh sẽ xem xét cho dừng lại hoạt động của các công ty trong các KCN không đủ điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19. Tinh thần là không đóng cửa toàn bộ KCN nhưng đóng cửa một số KCN thực hiện không nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

Làm việc với tỉnh Bắc Giang vào ngày 17/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu tỉnh tiếp tục khẩn trương triển khai lấy mẫu tại các khu dân cư liên quan đến KCN, tranh thủ sự hỗ trợ từ lực lượng các địa phương. Đồng thời, bắt buộc phải theo dõi được kết quả lấy mẫu, theo dõi thời điểm, thời gian, số lượng kết quả lấy mẫu trong thời gian nhanh nhất. Bộ Y tế sẽ cử đoàn chuyên gia xuống trực tiếp làm việc tại Bắc Giang để hỗ trợ cho tỉnh.

Bộ Y tế cũng đã làm việc với Công ty Giải pháp công nghệ, theo đó sẽ giúp đỡ Bắc Giang mã hoá xét nghiệm từ khâu khai báo, lấy mẫu, vận chuyển xét nghiệm và trả kết quả. Bước đầu sẽ thí điểm tại một số khu dân cư, nếu thành công thì sẽ mở rộng hình thức này trên diện rộng.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Bắc Giang cần phải tiếp tục tập trung truy vết cộng đồng và các KCN. Không bỏ lọt các trường hợp sốt, ho. Để làm được điều này, việc cấp bách hiện nay đó là thành lập và duy trì các tổ COVID cộng đồng và tổ an toàn COVID trong KCN. Đồng thời có cơ chế ràng buộc chính quyền địa phương để thúc đẩy các này hoạt động hiệu quả vì đây là lực lượng quan trọng để góp phần truy vết, khoanh vùng dập dịch nhanh chóng. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát và phải có chế tài xử phạt đối với những trường hợp không khai báo trung thực.

Với tình hình F0 tăng nhanh như nhiện nay tại Bắc Giang, trong khi BV dã chiến phải xây dựng 1 tuần mới xong, chuyên gia của Bộ Y tế đề nghị tỉnh Bắc Giang phải kích hoạt ngay BV dã chiến số 2 đi vào hoạt động. Từ ngày 17/5, tỉnh Bắc Giang thực hiện cách ly xã hội 4 huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và Lục Nam theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Cả nước có thêm 181 ca mắc COVID-19 trong khu vực được cách ly

Ngày 17/5, cả nước ghi nhận thêm 181 ca mắc COVID-19. Nhiều nhất là Bắc Giang ghi nhận 100 ca mắc liên quan đến khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám. Đứng thứ 2 là tỉnh Bắc Ninh với 59 ca mắc, đều là F1 liên quan đến các ổ dịch cũ, nhiều nhất là ổ dịch Mão Điền, huyện Thuận Thành.

Hà Nội ghi nhận 10 ca mắc cũng là các F1 đã được cách ly, trong đó có 2 trường hợp F1 của BN3.634 là Giám đốc Công ty Hacinco. Điện Biên có 7 ca đều ở huyện Nậm Pồ; Vĩnh Phúc 4 ca và Tuyên Quang 1 ca. Các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn đều ghi nhận mỗi tỉnh 2 ca mắc.

Bộ Y tế cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã lấy 482.900 mẫu xét nghiệm, trong đó có 1.320 trường hợp dương tính.

Trần Hằng
.
.
.