Các bệnh viện sẵn sàng phương án cấp cứu, điều trị trong dịp Tết
Tết Nguyên đán đã ở bên thềm. Trong khi mọi nhà nô nức chuẩn bị đón xuân thì các bệnh viện (BV) – nhất là BV tuyến cuối- đang phải hoàn tất kế hoạch để sẵn sàng phục vụ người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường và nguy cơ thương tích thường trực do lưu lượng người tham gia giao thông lớn.
Để người bệnh được đón tiếp bất cứ lúc nào, Tết năm nay tại BV Bạch Mai, 100% khoa phòng vẫn tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) như ngày thường với việc bố trí 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và KCB cùng thuốc men, vật tư y tế đầy đủ. BV cũng đã lên kế hoạch cấp cứu hàng loạt nếu xảy ra thảm họa.
“Tất cả bệnh nhân cấp cứu đều phải được xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Để giảm quá tải cho Khoa Cấp cứu, phục vụ bệnh nhân nhanh nhất, BV sẽ mở thêm các Phòng Cấp cứu. Khoa khám bệnh cũng mở thêm 3 - 4 kíp khám với 10 giường điều trị ban ngày. Trong những ngày Tết, người dân vẫn có thể làm thủ tục xuất viện như bình thường”- TS. Dương Đức Hùng -Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của BV Bạch Mai cho biết.
Cũng như mọi năm, BV Bạch Mai vẫn tổ chức cho các bệnh nhân phải nằm lại điều trị được ăn Tết chu đáo với các suất ăn miễn phí và thăm hỏi, mừng tuổi bệnh nhân đón giao thừa tại BV….100% lãnh đạo BV trực Tết để kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh.
Là BV ngoại khoa tuyến cuối nên dịp Tết nào BV Việt Đức cũng là điểm nóng vì phải tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu nặng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đánh nhau... Theo GS. Trần Bình Giang- Giám đốc BV Việt Đức, để chủ động trong công tác điều trị, đặc biệt là cấp cứu, BV tăng cường các thầy thuốc trực ở các khoa phòng 24/24 ngay từ ngày 29-30 Tết cho đến khi mọi người đi làm trở lại, từ trực chuyên môn cấp cứu, KCB đến hậu cần, đường dây nóng…
Có kinh nghiệm trong việc tiếp nhận số lượng bệnh nhân do tai nạn giao thông, đánh nhau tăng cao hơn bình thường, nên BV Việt Đức không chỉ bố trí lực lượng cấp cứu, điều trị tại chỗ mà còn lên kế hoạch chi tiết các tình huống cấp cứu ngoại viện để hỗ trợ kịp thời. Cùng với nhân lực đầy đủ thường trực sẵn sàng, BV còn chuẩn bị đầy đủ xe cấp cứu, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng hỗ trợ các BV tuyến dưới cấp cứu bệnh nhân. Các bác sĩ Phòng chỉ đạo tuyến cũng trực 24/24 để tư vấn, giúp đỡ tuyến dưới phẫu thuật các ca khó mà không thể vận chuyển về Hà Nội.
Thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân trong dịp Têt |
Tết năm nay, BV Nhi Trung ương có khoảng 1.000 bệnh nhi phải nằm điều trị ở BV trong dịp Tết. Vì thế, BV đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men, các bữa ăn miễn phí cho người bệnh. Đặc biệt, BV còn tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ cho các bệnh nhi và người thân các cháu; tặng quà cho những cháu bệnh nặng, những bé có hoàn cảnh khó khăn. Việc mua sắm thêm trang thiết bị, chăn màn, lò sưởi để đảm bảo các bệnh nhi đủ ấm nếu thời tiết tiếp tục rét đậm, đặc biệt là trong dịp Tết được lên kế hoạch.
PGS.TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, BV đã hoàn tất kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ và an ninh BV trrong những ngày Tết. BV duy trì hoạt động trực khám, chữa bệnh và cấp cứu 24/24 như bình thường. Ngoài gần 80 người trực tại BV, còn có các kíp trực cấp cứu ngoại viện, kíp thường trú (trực tại nhà, không được ra khỏi Hà Nội). Năm nay, có khoảng 200 bệnh nhân phải ăn Tết tại BV do bệnh nặng, hay do hoàn cảnh khó khăn, nên BV phối hợp với một số nhóm từ thiện, nhà hảo tâm để lo chu đáo cho người bệnh trong những ngày Tết: Nhóm Cháo tình thương, Phật tử chùa Lý Triều Quốc sư và Phật tử phường Vĩnh Phúc sẽ tặng 100 suất quà cho người bệnh, mỗi suất 150.000 đồng. Riêng bà Lý (Hội Từ thiện Hải Triều Âm) sẽ tặng 250 suất quà cho người bệnh, mỗi suất 105.000 đồng.
“Trong dịp Tết Mậu Tuất, các BV không được từ chối bệnh nhân, kể cả bệnh nhân không đúng tuyến” là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với các cơ sở y tế. Theo đó, những trường hợp nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi cơ sở y tế phù hợp để điều trị. Các BV cần quán triệt cán bộ y tế nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh. Đối với bệnh nhân nội trú trong dịp Tết, BV cần chăm sóc, phục vụ chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Các BV phải bảo đảm kế hoạch trực Tết 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, BV phải đảm bảo khả năng cao nhất trong cứu chữa nạn nhân bị thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ... Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu tất cả các đơn vị y tế đều trực Tết 24/24 giờ và phải công khai số điện thoại đường dây nóng của BV, của Bộ Y tế. Nếu người dân phát hiện cán bộ y tế bỏ trực, gây phiền hà cho người bệnh, hãy gọi đến đường dây nóng, Bộ Y tế sẽ vào cuộc kịp thời. Tránh tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm thuốc ngày Tết, Cục Quản lý Dược cần chỉ đạo các BV, công ty dược xây dựng kế hoạch dự trữ thuốc. Sở Y tế các địa phương chú trọng việc phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, hành vi đầu cơ, tích trữ thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong dịp Tết; phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện, cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn. Để bảo đảm ATTP, Bộ Y tế yêu cầu Cục ATTP phối hợp các Bộ ngành, phối hợp cơ quan truyền thông tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai công tác bảo đảm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trước, trong và sau Tết. |