Bộ Y tế và các Bộ, ngành bàn biện pháp ứng phó với bệnh dịch hạch

Thứ Ba, 02/12/2014, 23:29
Chiều 2/12, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế đã họp với đại diện nhiều Bộ, ngành, nhằm bàn các biện pháp ứng phó với căn bệnh dịch hạch.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng: Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, bởi diễn biến nhanh, lây lan mạnh và tỉ lệ tử vong rất cao. Sau một thời gian dài lắng dịu, dịch xuất hiện tại Madagascar. Đến nay, đã có 119 người mắc, trong đó 40 người tử vong. Dịch đang có nguy cơ lây lan nhanh ở Madagascar, bởi mật độ dân số cao và hệ thống y tế yếu kém. Tình hình càng phức tạp hơn khi đã có bọ chét kháng Deltamethrin ở mức độ cao. Trung Quốc cũng có một trường hợp làm nghề chăm sóc vật nuôi mắc bệnh và đã tử vong. Ở Mỹ cũng có 4 trường hợp mắc, đều là những người từng tiếp xúc với chó bị ốm. Việc phòng, chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời; điều trị dự phòng với những người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, diệt chuột và bọ chét.

Đại diện Bệnh viện (BV) Các bệnh nhiệt đới TW băn khoăn trước thực trạng đã 12 năm, Việt Nam không có dịch hạch, nên hầu như các bác sĩ đã quên cách điều trị bệnh; phác đồ điều trị cũng thay đổi. Vì vậy, Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng lại phác đồ điều trị sát thực tiễn, từ cấp huyện trở lên.
Đại diện của WHO kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với dịch tại Hà Nội .

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, dịch hạch có thể xâm nhập vào Việt Nam vì đã nước ta từng xảy ra nhiều lần. Việt Nam lại có đường biên dài với Trung Quốc là nước đang có bệnh. Đặc biệt theo báo cáo, 30% số tàu có chuột, có khả năng làm lây truyền bệnh nên không thể chủ quan. Bộ Y tế đề nghị hệ thống giám sát các tỉnh coi trọng việc giám sát các cảng biển, sân bay, cửa khẩu … trong đó, đường thủy là trọng tâm. Vai trò của Bộ GTVT trong việc ngăn chặn dịch rất quan trọng, bằng việc tổ chức diệt chuột tại các cảng biển, sân bay, cửa khẩu, tàu, thuyền. Đề nghị Bộ GTVT và Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế triển khai ngay các biện pháp để phòng, chống bệnh dịch hạch; xông hơi diệt chuột ở các cảng biển; tàu trước khi vào Việt Nam cần được giám sát diệt chuột, nhất là những tàu đi từ vùng có dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý KCB trao đổi với WHO để nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị; đào tạo lại cho các địa phương về chẩn đoán và điều trị để tránh tử vong; Các cơ sở y tế rà soát lại trang thiết bị, thuốc men, phương tiện, hóa chất diệt chuột, bọ chét.. qui trình giám sát, xét nghiệm vv…

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh dịch hạch, coi đây là an ninh quốc gia chứ không chỉ là vấn đề y tế.

Thanh Hằng
.
.
.