Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin sai về việc “dùng bia giải độc rượu”

Thứ Sáu, 11/01/2019, 17:37
Sau khi các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị điều trị thành công cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu bằng bia, trên mạng xã hội đã loan tin không đúng về vấn đề này khi cho rằng khi bị say/ngộ độc rượu thì uống bia để …giải; hoặc cứ uống rượu rồi uống bia, sau đó uống rượu tiếp sẽ không bị say/ngộ độc. Trước tình hình trên, chiều 11-1, Bộ Y tế đã có cuộc gặp gỡ báo chí để làm rõ vấn đề này. Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế đã bác bỏ những thông tin trên.


Ths. Nguyễn Trung Nguyên-Phụ trách Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu, các bác sĩ luôn tìm mọi cách để bảo toàn sự sống cho bệnh nhân. Những cố gắng của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng trị khi cấp cứu bệnh nhân là rất đáng ghi nhận. Nhưng người dân tuyệt đối không được làm theo vì cách điều trị trên phải do bác sĩ thực hiện và tiến hành tại cơ sở y tế.

 Ths. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) hoan nghênh sáng kiến của các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Quảng Trị, vì vừa an toàn, vừa giá rẻ, mà vẫn kiểm soát được. “Chúng ta có thể tính được liều lượng và áp dụng được trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp chính mà chỉ là biện pháp hỗ trợ, còn biện pháp chính vẫn là lọc máu loại trừ methanol khỏi cơ thể”- Ông Khoa nhấn mạnh.

Theo hướng dãn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất gây hại cho người bệnh và phải được theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện.

Các chuyên gia y tế bác bỏ thông tin sai về việc dùng bia điều trị ngộ độc rượu

Ông Khoa cho biết thêm: Chất cồn có trong rượu, bia phải là cồn thực phẩm (Ethanol) đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, Ethanol cũng là chất có nguy cơ gây ngộ độc, có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu uống rượu, bia nhiều. Ngoài ra, ở mức độ dung nạp khác nhau, Ethanol gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tuỵ, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai.

Các chuyên gia của Bộ Y tế khuyến cáo: Sử dụng rượu, bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia. Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có Ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.

Chuyên gia chống độc Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: Ở Việt Nam, phần lớn là ngộ độc Methanol do uống rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, có pha cồn công nghiệp. Cồn công nghiệp Methanol là chất dùng trong công nghiệp và không dùng trong cơ thể con người, độc tính mạnh có thể gây mù, tổn thương não. So với tổng thể bệnh nhân ngộ độc chung, ngộ độc methanol ít hơn. Ngộ độc ethanol là uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Trong phác đồ chẩn đoán điều trị, không được uống thêm rượu, bia chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, kể cả các chất có cồn khác. Chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol chỉ có nhân viên y tế.

Bà Nguyễn Thu Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế): Từ vụ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, nhiều người hiểu sai rằng uống rượu rồi uống bia và ngược lại, sau đó uống rượu tiếp sẽ không bị ngộ độc là sai. Khi sử dụng 1g cồn, tức tương đương với 2/3 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%) gan sẽ mất 1 giờ để thải độc, trong khi theo thói quen, không ai chờ 1 giờ mới tiếp tục uống 1 đơn vị cồn. Lượng cồn cao gan không thể chuyển hóa hết, ethanol còn lại sẽ biến thành chất độc. Mà dù bia hay rượu đều có cơ chế gây hại như nhau, nên đều có hại cho cơ thể. Đặc biệt, không phải mọi trường hợp bị ngộ độc rượu đều xử trí theo phương pháp này.

Thanh Hằng
.
.
.