Bộ Y tế kiểm tra bán thuốc kê đơn, nhà thuốc kết nối liên thông

Chủ Nhật, 01/12/2019, 12:48
Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc, Bộ Y tế kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn & bán thuốc kê đơn Giai đoạn 2017-2020” & “Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg” tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…


Nhà thuốc kết nội mạng gia tăng

Trước tình trạng bán thuốc không kê đơn dẫn đến việc người dân sử dụng kháng sinh không bừa bãi, khiến tỷ lệ kháng kháng sinh ngày một cao. Bộ Y tế đã ban hành Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn cũng như việc Úng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc nhằm kiểm soát việc bán thuốc không kê đơn, làm giảm tỷ lệ kháng thuốc trong cộng đồng.

Là thành phố có các công ty dược, nhà thuốc lớn nhất cả nước, khi thực Đề án trên, TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo ThS. DS Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhà thuốc kết nối mạng đạt 94%, gần 50% nhà thuốc đã kết nối liên thông với dữ liệu Dược Quốc gia thành công.

Tăng cường kiểm tra bán thuốc kê đơn và kết nối liên thông nhà thuốc.

Theo PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi thực hiện Đề án, Sở Y tế nhận thức được rằng đây là chủ trương đúng đắn, là xu thế tất yếu, cần phải thực hiện nghiêm túc với mục tiêu cần đạt là giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh do tình trạng bán thuốc kháng sinh tràn lan, không theo đơn  đã và đang xảy ra ở một số nhà thuốc. 

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng  6.500 nhà thuốc, để thực hiện đồng bộ một chủ trương, chính sách mới của Bộ Y tế đòi hỏi có sự cố gắng nỗ lực không nhỏ của tập thể lãnh đạo và chuyên viên Sở Y tế, Phòng Y tế các quận, huyện cùng với sự hưởng ứng, thực thi pháp luật nghiêm túc của tất cả các dược sĩ đang công tác tại các nhà thuốc trên địa bàn.

Tương tự tại TP Đà Nẵng, khi thực hiện Đề án đã gặp không ít khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Diên Hồng, ngoài biện pháp tuyên truyền thì Sở Y tế còn tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc, đặc biệt công tác hậu kiểm 41 cơ sở bán lẻ đã được cấp Giấy chứng nhận "Thực hành tốt nhà thuốc (GPP) vào quý II/2018. 

Đà Nẵng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đã có 66% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có máy tính, kết nối internet và sử dụng phần mềm quản lý, tuyên truyền cho cộng đồng sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, kháng kháng sinh.

Tại Hà Nội, ngoài 110 nhà thuốc các bệnh viện công lập của Hà Nội và các bệnh viện của Trung ương, bộ, ngành, TP còn hàng nghìn nhà thuốc tư nhân, xuất hiện ở hầu khắp các khu dân cư, tuyến phố. 

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tất cả các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân trên địa bàn đã kê đơn trên hệ thống máy tính kết nối với nhà thuốc bệnh viện, nhưng việc kê đơn tại các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân thì chưa kiểm soát được. 

Tính đến 30-6-2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông tại Hà Nội là 5.948/6.911 cơ sở (đạt 86,1%). Trong đó, số cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối là 5.613/5.782 (đạt 97,1%).

Còn nhiều khó khăn

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, việc kết nối công nghệ thông tin các nhà thuốc giúp quản lý tốt hơn nguồn gốc, chất lượng, giá thuốc, góp phần ngăn chặn thuốc giả đi vào hệ thống phân phối, thực hiện cảnh báo và thu hồi có hiệu quả các thuốc không đảm bảo chất lượng. 

Qua kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn & bán thuốc kê đơn Giai đoạn 2017-2020” & “Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg” tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Thứ trưởng Trương Quốc Cường ghi nhận những kết quả bước đầu các địa phương thực hiện Đề án. 

Tỷ lệ nhà thuốc kết nối mạng và kết nối liên thông với Dữ liệu Dược Quốc gia không ngừng tăng. Đồng thời những khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện cũng được lắng nghe một cách thấu đáo.

Chẳng hạn, tại TP Hồ Chí Minh việc kết nối mạng đối với các nhà thuốc tự xây dựng phần mềm, danh mục thuốc dùng chung chưa đầy đủ so với thuốc đang lưu thông, chưa phân loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt... 

Đặc biệt, theo quy định, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc thì bị xử phạt từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Ðối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác bị xử phạt từ một triệu đến hai triệu đồng. Chế tài xử lý này được đánh giá là chưa đủ sức răn đe. Những bất cập này tồn tại đã lâu nhưng chưa có giải pháp thật sự hiệu quả…

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tất cả các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân trên địa bàn đã kê đơn trên hệ thống máy tính kết nối với nhà thuốc bệnh viện, nhưng việc kê đơn tại các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân thì chưa kiểm soát được. Công tác giám sát, hậu kiểm của cơ quan quản lý còn yếu do số lượng nhà thuốc quá lớn, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng.

Theo ông Trương Quốc Cường, tất cả những khó khăn, vướng mắc từ phía Sở Y tế, bệnh viện, doanh nghiệp dược, công ty cung ứng phần mềm được Đoàn giám sát của Bộ Y tế lắng nghe một cách đầy đủ và sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trên cả nước thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các cơ sở bán lẻ thuốc. 

Đặc biệt, cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin việc kê đơn và bán thuốc kê đơn để không còn tình trạng lạm dụng kháng sinh, bán thuốc không có kê đơn, bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc...

Để hạn chế và chấm dứt việc bán thuốc kháng sinh không kê đơn, thời gian tới ngành Y tế cần tăng cường công tác truyền thông đối với cơ sở khám chữa bệnh, các nhà thuốc, người dân, để không còn tình trạng kháng kháng thuốc vì sử dụng thuốc bừa bãi.

Minh Thư
.
.
.