Biện pháp cần thiết để kiểm soát chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Năm, 03/03/2016, 09:10
Sau khi Cộng đồng ASEAN thành lập, một trong những thành phần được tự do di chuyển trong khối là bác sĩ. Tuy nhiên, văn bằng bác sĩ ở Việt Nam chưa được các nước trong khu vực chấp thuận, vì chỉ thể hiện khung trình độ đào tạo. Trong khi để hành nghề thì ngoài văn bằng, các nước đều có các kỳ thi quốc gia để cấp giấy phép hành nghề (GPHN), thường có giá trị 5 năm.


Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như hội nhập quốc tế, Bộ Y tế đang rà soát để đề nghị chỉnh sửa Luật Khám, chữa bệnh (KCB), bổ sung quy định về GPHN nhằm áp dụng như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến chưa đồng nhất về việc cấp GPHN. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế xung quanh vấn đề này:

+ Thưa ông, việc cấp GPHN cho bác sĩ ở Việt Nam chưa làm và hiện đang chuẩn bị thực hiện đã lại có ý kiến băn khoăn rằng GPHN là không cần thiết vì đã có bằng tốt nghiệp đại học y khoa. Là chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm, ông có ý kiến gì?

GS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Cần phải phân biệt 2 khái niệm là bằng tốt nghiệp đại học  với GPHN. Bằng tốt nghiệp chưa đủ hành nghề, chỉ là giai đoạn tiếp thu một số kiến thức ở nhà trường, còn tay nghề chưa đủ bài bản để thực hành trên cơ thể người. Do đó, với ngành y, muốn hành nghề thì ngoài bằng đại học phải có GPHN, mà để có GPHN thì phải thi để các cơ quan có thẩm quyền cấp.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng.

+ Thưa ông, ông có ý kiến gì trước 2 quan điểm: GPHN chỉ cần cấp một lần và dùng mãi và GPHN cần có thời hạn và định kỳ phải sát hạch lại như nhiều nước đã làm?

GS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Nước ta đang hội nhập phải tuân thủ hội nhập thì bác sĩ Việt Nam sang nước khác hành nghề mới được công nhận. Trên thế giới hiện đang cấp chứng chỉ theo niên hạn. Vì đây là nghề thực hành, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, từng trải nên phải rèn luyện tay nghề. Anh chữa bệnh cho 99 người khỏi, nhưng đến người 100 chưa chắc đã khỏi, vì mỗi người cơ địa khác nhau, tính phản ứng khác nhau… nên phải có kinh nghiệm và từng trải, thao tác chuẩn và trở thành gần như bản năng thì mới đảm bảo tính chất hành nghề. Thứ nữa, khối lượng kiến thức của nhân loại để phục vụ KCB rất lớn và luôn thay đổi. Có loại thuốc trước đây được chỉ định nhưng đến nay lại không được chỉ định, hay bị thu hồi nên những điều này phải được bồi dưỡng và đào tạo y khoa liên tục, nếu không chịu học thì sẽ bị lạc hậu. Bản thân bác sĩ phải coi đây là nhiệm vụ thì mới có kiến thức thực hành. Cán bộ nghiên cứu như chúng tôi không đọc sách 1 tháng thì đã lạc hậu. Vì thế, thế giới cấp GPHN có niên hạn và sau từng giai đoạn phải có sát hạch mới cấp lại. Chứng chỉ hành nghề không phải để siết đầu ra vì có người tốt nghiệp y khoa nhưng chưa chắc đã được hành nghề y.

+ Ở các nước, cơ quan nào sẽ cấp GPHN và làm thế nào để không có sự nhiễu nhương trong cấp GPHN?

GS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Đây là vấn đề rất quan trọng. Đương nhiên các cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt vấn đề này. Ở các nước, vai trò của các hội nghề nghiệp trong cấp GPHN rất lớn. Ai muốn hành nghề thì phải tham gia vào Hội hành nghề đó và được Hội quản lý. Quá trình cấp GPHN phải có sự tham gia của Hội nghề nghiệp đó, vì giám sát xã hội tốt nhất trong chăm sóc sức khỏe là bản thân người bệnh và các hội nghề nghiệp, do họ hiểu được trình độ và điều kiện làm việc của các cá nhân, đơn vị. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay chưa thực hiện. 

Bên cạnh đó, chúng ta phải cải cách hành chính trong cấp GPHN cho minh bạch, công khai, nếu không sẽ sinh ra phiền nhiễu. Vì vậy, cấp GPHN theo niên hạn là phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đảm bảo chất lượng cho cán bộ phụ trách KCB nhưng song song với đó phải đặt ra cơ chế hành chính thích hợp, trong đó phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp. Niên hạn cấp GPHN thường là 5 năm, vì đó là thời gian đủ để có những thay đổi lớn, đủ để anh em tích lũy kinh nghiệm, đồng thời cũng đỡ gây phiền toái trong thi cử, sát hạch nhiều lần.

Việc sát hạch ở các nước thường giao cho hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức, còn cơ quan quản lý nhà nước dựa vào kết quả đó để cấp GPHN, tức là cơ quan nhà nước dựa vào giám sát của các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

+ Vấn đề nhiều người lo lắng nhất trước việc triển khai cấp GPHN là nơi tổ chức cấp sẽ gây phiền hà, thậm chí tiêu cực. Theo ông, cần hành lang pháp lý thế nào để hạn chế việc vi phạm hành nghề của người được cấp?

GS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Phải thực hiện cơ chế giám sát hành nghề. Như UBMTTQ vừa thí điểm giao cho Tổng hội Y học Việt Nam giám sát hành nghề y tế tư nhân tại một số địa phương. Công tác giám sát phải thường xuyên, nhưng khác với thanh kiểm tra, vì chỉ mang tính phát hiện để răn đe. Tổ chức giám sát cũng phải sử dụng các hội nghề nghiệp và phát huy vai trò của người bệnh. Mặt khác, phải công khai đầy đủ tiêu chí, điều kiện hành nghề, như cơ sở hạ tầng, nhân lực và giấy phép hành nghề… Tôi muốn nhấn mạnh tính đồng bộ trong pháp luật. Anh đặt ra vấn đề GPHN là muốn nâng cao chất lượng KCB, thì đồng thời phải đặt ra hành lang pháp lý, cơ chế vận hành giám sát và cả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nếu không sẽ gây ra nhũng nhiễu, hạch sách…

+ Thưa ông, có nên kéo dài thời gian của GPHN thay vì chỉ 5 năm?

GS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Cần phải đứng về phía người bệnh, lấy chất lượng KCB là điều tối thượng nên cần phải có thời hạn đối với GPHN. Khi hội nhập, đương nhiên có bác sĩ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, vì vậy GPHN cũng là cách kiểm soát chất lượng của lực lượng lao động nước ngoài đến nước ta hành nghề. Vừa qua, chúng ta kêu ca về một số thầy thuốc sang Việt Nam hoạt động kém chất lượng thì GPHN chính là một trong các giải pháp để kiểm soát và nâng cao chất lượng.

+ Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.